Ngày 23/1, NATO thông báo đã ký thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) để mua đạn pháo, trong bối cảnh giao tranh giữa Nga và Ukraine ngày càng gia tăng kể từ cuối năm ngoái, khiến kho vũ khí và đạn dược của Ukraine cạn kiệt.
NATO đã bật đèn xanh cho việc mua 220.000 quả đạn 155mm, loại đạn pháo được sử dụng nhiều nhất ở Ukraine. Theo các nguồn tin, loại đạn này sẽ do các hãng vũ khí Nexter của Pháp và Junghans của Đức cung cấp.
“Điều quan trọng là bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi, xây dựng kho dự trữ của riêng chúng tôi và tiếp tục hỗ trợ Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết.
“Cuộc xung đột ở Ukraine là trận chiến về đạn dược”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên.
Khi tình hình chiến trường chững lại trong những tháng gần đây, Nga và Ukraine tăng gấp đôi cường độ tấn công bằng pháo, tên lửa và máy bay không người lái.
Ngành công nghiệp vũ khí của Nga vượt xa Ukraine, nên Kiev đang phải vật lộn để thuyết phục phương Tây tiếp tục hỗ trợ cả nguồn tài chính và vũ khí.
Theo ước tính của Liên minh châu Âu (EU), Ukraine bắn khoảng 4.000 - 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày trong mùa hè năm ngoái, còn Nga bắn hơn 20.000 quả đạn mỗi ngày để tấn công Ukraine.
Nhờ kho dự trữ vẫn còn đáng kể, trong những tuần gần đây, Nga tăng cường không kích nhằm lấn át hệ thống phòng không của Ukraine. Giới chức Ukraine cho biết, Nga phóng khoảng 500 máy bay không người lái và tên lửa trong thời gian từ ngày 29/12 - 2/1.
Ukraine và các đồng minh đang cố gắng theo kịp. Kiev cho biết, họ dự định sản xuất 1 triệu máy bay không người lái trong năm 2024.
Dù EU không thực hiện được cam kết cung cấp 1 triệu viên đạn pháo trong năm 2023, nhưng các quan chức cho biết họ kỳ vọng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu sẽ tăng sản lượng vào cuối năm nay.
Đầu tuần này, Thủ tướng Ba Lan Donald T usk khi thăm Ukraine đã công bố cung cấp một khoản vay để giúp Kiev mua vũ khí lớn hơn và thực hiện các cam kết về sản xuất chung.
Tuy nhiên, NATO lưu ý rằng số đạn pháo được mua theo thỏa thuận mới sẽ phải chờ 2-3 năm mới có thể bàn giao.
Trong khi đó, Mỹ dù từng là nước viện trợ chính của Ukraine nhưng nay không thể gửi cho Ukraine bất kỳ loại đạn hoặc vũ khí nào vì vẫn phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch ngân sách.