Căn cứ Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, chế độ ốm đau dài ngày dành cho người lao động mắc bệnh thuộc "Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày" do Bộ Y tế ban hành và thời gian nghỉ ốm dài ngày được quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
- Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
- Hết thời hạn 180 ngày hưởng chế độ ốm đau mà vẫn cần tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ, ông B. có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 tháng và mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Sau khi hưởng hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì ông B. được nghỉ tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn với thời gian tối đa 3 tháng (bằng thời gian đóng BHXH bắt buộc).
Theo quy định trên, thời gian nghỉ ốm dài ngày có tính cả ngày lễ. Do đó, người lao động nghỉ ốm dài ngày được tính hưởng chế độ ốm đau cho cả những ngày lễ.
Theo khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian nghỉ ốm dài ngày tính cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần nên người lao động ốm dài ngày trùng dịp lễ sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán đầy đủ tiền chế độ ốm đau theo tháng.
Do đã hưởng chế độ BHXH trong ngày lễ nên người lao động nghỉ ốm dài ngày có thể không được hưởng lương ngày lễ.
Bởi khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ BHXH thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Theo đó, nếu có thỏa thuận trước về việc trả lương ngày lễ khi người lao động nghỉ ốm thì trường hợp nghỉ ốm dài ngày vẫn được trả lương ngày lễ. Tiền lương ngày lễ được xác định theo tiền lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Ngược lại, nếu không có thỏa thuận nào khác, doanh nghiệp không có trách nhiệm trả lương ngày lễ cho người lao động đang hưởng chế độ BHXH. Do đó, trong trường hợp này, người lao động nghỉ ốm dài ngày sẽ không được trả lương ngày lễ.