Năm 2023, việc xử lý nồng độ cồn của lực lượng CSGT được coi là điểm nhấn, khi hàng chục tổ công tác của Bộ Công an về địa phương xử lý; cảnh sát giao thông các địa phương tuần tra chéo và đặc biệt việc xử lý không có vùng cấm, khi hàng trăm cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị xử phạt. Bước đầu đã tạo dấu ấn, thay đổi thói quen của người dân.
Để làm rõ hơn việc xử lý này của CSGT, PV có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an).
Hiệu ứng tích cực từ việc 'mạnh tay' với tài xế vi phạm nồng độ cồn
-Thưa Đại tá, trong năm qua, chuyên đề "xử phạt nồng độ cồn" có thể được coi là điểm nhấn của lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc khi đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay và quyết liệt hơn, tạo sự chuyển biến tốt và đặc biệt được người dân quan tâm, bàn tán ở bất cứ đâu, liệu đây có phải đây là tín hiệu lan tỏa tích cực?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Tôi đồng tình với nhận định trên và có thể nói ngay từ cuối năm 2022, tết dương lịch 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp về xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn, Cảnh sát giao thông và các lực lương khác đã bắt tay vào làm không kể ngày đêm, không có vùng cấm, không chịu sự can thiệp nào, và đã tạo được một hiệu ứng tốt.
Chúng tôi hy vọng việc làm quyết liệt của lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tạo được một tiền lệ tốt cho người dân là đã uống rượu bia thì không lái xe. Việc này giống như thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông mà chúng ta đã làm được từ nhiều năm trước.
-Những năm trước, chuyên đề xử phạt nồng độ cồn cũng được CSGT duy trì thường xuyên, tuy nhiên, sự chấp hành của người dân năm nay lại khác, ông có thể chia sẻ vì sao có sự khác biệt này, và so với các năm, năm 2023 phương thức xử lý nồng độ cồn có gì thay đổi?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Chính xác là người dân chấp hành giao thông đã tốt hơn nhiều sau khi CSGT có phương pháp làm khác biệt, cải tiến hơn. Đơn cử có tổ tuần tra mỗi ca trực dừng cả trăm xe ô tô nhưng không phát hiện được tài xế nào vi phạm, đây là tín hiệu rất vui, rất tích cực. Đặc biệt ở khu vực đô thị tỷ lệ phát hiện được tài xế ô tô tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn cũng rất ít. Điều này cho thấy ý thức tự giác chấp hành của tài xế, đặc biệt tài xế ô tô đã rất tốt.
Nói sâu về phương pháp xử lý, tôi xin nhấn mạnh là năm 2023 cách làm của lực lượng CSGT rất quyết liệt, không có ngày nghỉ, làm cả đêm, không có vùng cấm, không chịu tác động, can thiệp nào. Không chỉ có lực lượng CSGT mà mỗi tổ quần tra còn huy động thêm các lực lượng khác như Cảnh sát cơ động, cảnh sát ma túy, kỹ thuật hình sự, công an cơ sở…
Trước khi ra quân làm, chúng tôi đều phải nghiên cứu kỹ địa bàn, khép kín, ở các đô thị làm tại các cửa ngõ ra vào để kiểm soát được phương tiện nhiều nhất. Cảnh sát giao thông cũng vừa kết hợp tuần tra cắm chốt phối hợp với tuần tra lưu động trên đường, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tài xế vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện.
Đặc biệt hơn là để xử lý cho khách quan và tránh bị tác động, can thiệp, các địa phương, CSGT huyện, quận đổi địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý nồng độ cồn cho nhau. Thậm chí các tổ của Cục CSGT cũng xuống các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm, nên không có sự can thiệp, hay xin giảm nhẹ được.
-Một quan điểm xuyên suốt khi xử lý vi phạm nồng độ cồn trong năm nay là 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ", để hiện thực hóa chỉ đạo này, lực lượng CSGT đã gặp những trở ngại gì, có câu chuyện nào đáng chú ý liên quan đến việc can thiệp từ các quan chức khi vi phạm nồng độ cồn?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Như bạn đã biết, năm 2020-2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, các hoạt động ăn uống, vui chơi bị tạm dừng nên việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng bị ảnh hưởng. Đến năm 2022 khi trong trạng thái bình thường mới, nhiều tài xế dường như nghĩ rằng không bị phạt nặng như trước nữa nên vẫn sử dụng rượu bia và lái xe và hậu quả là gây ra nhiều vụ tai nạn nghiệm trọng.
Các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn vẫn còn ở mức cao và được xếp vào nhóm nguyên nhân gây tai nạn có tỷ lệ cao nhất…từ thực tế trên Cục CSGT đã lên kế hoạch từ sớm và tham mưu cho Bộ Công An, tham mưu cho cấp trên ban hành các Chỉ thị về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới.
Cụ thể, như Chỉ thị 10 của Thủ tướng hồi tháng 4, Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư ngày 25/5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Theo đó, quán triệt, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và Nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
Từ các chỉ đạo trên, Tỉnh uỷ, Thành ủy các địa phương cũng chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương gương mẫu đi đầu, đã uống rượu bia, không tham gia giao thông.
Trên thực tế, trong năm 2023, các tổ công tác từ Cục đến các địa phương làm rất sát, rất chặt liên quan đến các chỉ đạo trên. Tổ công tác xử lý bất kể ai, sau đó nếu là công chức, viên chức còn bị xác minh gửi về cơ quan.
Tất nhiên, quá trình xử lý, các tổ công tác có gặp nhiều trở ngại, đặc biệt từ sự chống đối, tác động từ nhiều người. Vì bản thân những người khi có hơi men dễ trong trạng thái không tỉnh táo, dễ bị kích động tinh thần và phát sinh phản kháng, hầu hết ai cũng có tâm lý muốn được nhẹ đi hoặc bỏ qua để cho đi tiếp…
Ví dụ về các câu chuyện cụ thể, báo chí đã đưa rất nhiều, có những vụ một Chủ tịch phường ở Hà Nội vi phạm nồng độ cồn không chấp hành kiểm tra, cũng có ý tác động, can thiệp nhưng bất thành. Hay vụ việc ở Hải Phòng, một nhân vật có tiếng cản trở tổ công tác, khiến ùn tắc dài sau đó không chỉ bị xử lý hành chính mà còn bị khởi tố.
Ngoài ra rất nhiều hành vi chống đối khác ví dụ như nhiều người không hiểu luật, khi thấy tổ công tác làm nhiệm vụ kiểm soát nồng độ cồn thì cầm máy quay dí sát mặt rồi yêu cầu xem tem kiểm định, giấy tờ chứng minh. Việc này là vô lý vì người dân có quyền giám sát nhưng quyền kiểm tra giấy tờ, phương tiện của cảnh sát phải là cơ quan có thẩm quyền. Còn trong trường hợp nếu không đồng tình có thể khiếu nại lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Không có việc CSGT lập chốt ở gần quán nhậu, tiệc cưới?
-Có nhiều thông tin cho rằng ngay cả một trưởng phòng CSGT, lãnh đạo phòng trong lực lượng công an, cảnh sát và nhiều lãnh đạo, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí có người bị gửi thông tin về đơn vị bị xử lý rất nghiêm về mặt Đảng và ảnh hưởng đến con đường thăng tiến?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Như tôi nhấn mạnh việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là không có vùng cấm, bất kể ai làm ở vị trí nào, công chức, viên chức đều bị xử lý như nhau. Cụ thể hóa tinh thần này thì lần đầu tiên chúng tôi xử lý 255 người vi phạm là cán bộ, đảng viên, công chức... Cục cũng đang đôn đốc các địa phương tiếp tục xác minh, xử lý.
Thậm chí chúng tôi còn tính đến việc ở các địa phương, tỉnh lẻ, mật độ dân cư thưa… người dân quen biết nhau nhiều nên CSGT dễ bị ảnh hưởng cả nể, tình cảm hoặc xử lý không nghiêm nên đã chỉ đạo phải đổi chéo địa bàn tuần tra, xử lý để khách quan hơn.
Với các trường hợp cán bộ vi phạm nồng độ cồn hiện nay cũng bị xử lý hành chính theo quy định là rất nặng, thậm chí nếu bị cảnh cáo có thể không được tiếp tục bổ nhiệm…
-Hiệu quả khi xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn đã được ghi nhận qua những con số và được nhà chức trách ghi nhận, nhưng cũng có một thực tế là đã có tranh cãi về việc tổ tuần tra lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn ở gần các quán nhậu, gần nơi tổ chức tiệc, đám cưới, điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng là 'phản cảm'?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Trên thực tế, khi xử lý hàng triệu trường hợp bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn và hơn 770.000 trường hợp bị phát hiện vi phạm thì chúng tôi chưa nhận được ý kiến nào phản ánh nội dung trên. Đây cũng có thể là phản ánh của người dân ở đâu đó nhưng trên thực tế là không có thật.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, trước khi làm kế hoạch, tuần tra kiểm soát thì CSGT phải nghiên cứu và có chương trình, kế hoạch và được lãnh đạo phê duyệt nên không ai có thể làm được việc phản cảm như phản ánh trên.
Hiện nay các vị trí chốt chặn lập tổ xử lý đều được đặt ở địa điểm có lưu lượng phương tiện lớn nhất, để đảm bảo có thể phát hiện, ngăn chặn được nhiều nhất hành vi vi phạm. Và đặc biệt không thiếu gì vị trí tốt, phù hợp thay vì phải chốt ở gần các địa điểm nêu trên.
Quan điểm của lực lượng CSGT không phải là xử lý được bao nhiêu người mà quan trọng hơn hết là làm thay đổi ý thức của người dân, tạo được một thói quen tốt đã uống rượu bia thì không lái xe. Còn với những người ý thức đã tốt rồi, thì dù cảnh sát có chốt ở bất cứ đâu thì cũng không ngại bị kiểm soát.
Một điểm quan trọng hơn nữa liên quan đến vấn đề này, tôi xin chia sẻ là cảnh sát giao thông không chỉ có chốt chặn, xử lý mà trước đó cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, công an cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền như vận động nhà hàng, quán nhậu nhắc nhở, phổ biến cho khách bằng cách dán logo đã uống rượu bia, không lái xe để nâng cao ý thức và các chủ quán cũng cam kết khi phát hiện khách đã sử dụng rượu bia thì phải vận động đi phương tiện khác về cho an toàn.
Năm 2024 CSGT tiếp tục 'mạnh tay' với tài xế vi phạm nồng độ cồn
-Năm 2023, có thể nói là năm điểm nhấn của việc xử phạt mạnh vi phạm nồng độ cồn và có thể được đưa vào sự kiện quan trọng của năm, xin Đại tá có thể chia sẻ thêm về những dấu ấn quan trọng góp phần tạo nên sự thành công này?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Đúng như nhận định trên, năm 2023 lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT theo chỉ đạo của Bộ, trong đó xử lý nồng độ cồn là trọng tâm, điểm nhấn nhất.
Cụ thể trên toàn quốc xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý vi phạm về nồng độ cồn là 770.679 trường hợp (tăng 462.028 trường hợp, tăng 150% so với năm 2022. Trong số này tài xế xe máy vi phạm chiếm phần lớn.
Với sự quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn thì các vụ tai nạn giao thông giảm sâu. So với cùng kỳ giảm 9% tổng số vụ, giảm 26% số người chết và bị thương so với năm 2022. Đây chính là những kết quả, tín hiệu tích cực và là dấu ấn quan trọng.
Nhưng trên hết, có thể nói những cái đạt được quan trọng nhất vẫn là thay đổi thói quen của người dân và để làm được việc này tốt hơn nữa thì cần kiên trì và sự vào cuộc ở các cấp.
Một dấu ấn quan trọng hơn nữa là năm nay sau khi xử lý vi phạm nồng độ cồn nghiêm, từ địa phương đến trung ương vào cuộc nên người dân rất đồng tình, ấn tượng tốt. Có những đám cưới đã không sử dụng rượu bia hay thói quen của tài xế ô tô ở các đô thị đã thay đổi, phần lớn là khi uống rượu bia xong đều sử dụng phương tiện khác.
-Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn mang ý nghĩa rất lớn, nhưng ngược lại để xử lý hành vi này, lực lượng CSGT cũng đối mặt với những nguy hiểm hơn rất nhiều so với xử lý các hành vi khác, đại tá nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn của cảnh sát giao thông phải nói là nguy hiểm hơn cả, khi đối mặt nhiều sự chống đối của người vi phạm. Vì thông thường những người khi sử dụng rượu bia sẽ không tỉnh táo nên các quyết định xử lý trên đường vốn đã không chuẩn rồi, còn khi gặp lực lượng chức năng còn bị kích động tinh thần hơn nữa.
Cụ thể quá trình xử lý các tổ công tác gặp cả chục vụ chống đối, thậm chí nhiều vụ tài xế ô tô, xe máy khi bị dừng xe đã lao thẳng xe vào tổ công tác, khiến một số cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Mới đây nhất là vụ CSGT Hà Nam bị nam tài xế đi ô tô lao thẳng vào nên bị thương. Tài xế sau đó bị công an khởi tố tội Giết người…
Tài xế lao thẳng vào tổ CSGT đang đo nồng độ cồn ở Hà Nam. Video. MXH
-Trong năm 2024 kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ có gì thay đổi để có chuyển biến tích cực hơn nữa thưa đại tá?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Với kinh nghiệm và kết quả xử lý trong năm 2023, trong năm 2024 CSGT trên toàn quốc sẽ tiếp tục coi xử lý vi phạm nồng độ cồn là trọng điểm trong công tác. Các đơn vị trên cả nước tiếp tục duy trì nề nếp xử lý nghiêm túc không có vùng cấm, không ngoại lệ, không ngày nghỉ và tạo thành thói quen cho người dân.
Hiện nay CSGT làm công tác kiểm soát đo nồng độ cồn đang theo đúng chuẩn quốc tế và theo kinh nghiệm quốc tế, việc kiểm soát diễn ra rất nhanh chóng, thuận lợi cho người dân rồi. Ví dụ mỗi người chỉ mất 15-30 giây, nếu có dấu hiệu thì thổi vào ống tối đa cũng chỉ mất đến 1 phút là phát hiện được.
Tuy nhiên năm tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến góp ý và đề xuất, nghiên cứu các phương pháp tốt hơn nữa để với mục đích không phải xử lý được nhiều người mà quan trọng giúp người dân thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức, đã uống rượu bia thì tuyệt đối không lái xe.
-Để hướng tới một năm mới đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đến với mọi nhà, đại diện lực lượng cho CSGT, đại tá có khuyến cáo gì đến những tài xế khi tham gia giao thông?
-Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Tôi muốn nhấn mạnh là việc uống rượu không bị cấm, tuy nhiên thói quen sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông thành thói quen tồn tại từ nhiều năm, và đây là điều cấm kỵ. Trong cuộc sống hàng ngày hễ vui uống, buồn cũng uống, sử dụng rượu bia ở bất kể sự kiện gì và đặc biệt nhiều người không làm chủ được bản thân, tự lái xe về nhà gây nguy hiểm, không làm chủ tốc độ không đi đúng làn đường…bất tuân quy tắc giao thông dẫn đến tai nạn, tự gây và gây tai nạn cho người khác. Thực tế có nhiều vụ tai nạn liên hoàn xảy ra từ người điều khiển phương tiện rượu bia gây nên.
Vì vậy chúng tôi khuyến cáo mỗi người dân cần tự tạo cho mình ý thức và thành một thói quen, khi uống rượu bia thì không lái xe, hãy hành động ngay khi có thể. Không chỉ tạo thói quen cho mình mà còn người thân trong gia đình và đặc biệt thế hệ trẻ em sau này, giống như thói quen đội mũ bảo hiểm chúng ta đã làm rất tốt.