Nghi kỵ len lỏi vào quan hệ Mỹ - Nhật chỉ vì hệ thống radar Spy-6

Trần Khánh |

Việc Mỹ trì hoãn cung cấp hệ thống radar Spy-6 tối tân để Nhật Bản đối phó với tên lửa Triều Tiên đã reo rắc nghi kỵ vào quan hệ Mỹ-Nhật.

Nhật chờ "lời bảo đảm mạnh mẽ hơn" từ Mỹ

Theo Reuters, giới chức Nhật Bản muốn sở hữu "phiên bản trên bộ" của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tối tân như một lớp bảo vệ mới đủ khả năng dập tắt mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Tuy nhiên, do đến nay Mỹ vẫn chưa cung cấp hệ thống radar Spy-6 cực mạnh, Nhật Bản vẫn phải chấp nhận sử dụng công nghệ radar hiện có với tầm hoạt động yếu hơn rất nhiều so với Spy-6.

Điều này đồng nghĩa với việc, trong khi tên lửa đánh chặn của Nhật Bản có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên từ trên không. Hệ thống khóa mục tiêu bằng radar hiện tại thậm chí còn chưa thể phát hiện ra tên lửa của Triều Tiên ngay cả khi nó đã tiến sát lãnh thổ Nhật Bản.

Giới chức Nhật Bản đã tận mắt chứng kiến công nghệ hiện đại trên radar Spy-6 giúp mở rộng tầm hoạt động của các radar hiện tại lên hàng chục lần. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực để có thể sở hữu Spy-6, cho đến nay Nhật Bản vẫn chỉ nhận được "cái lắc đầu" từ đồng minh chí cốt.

"Tất cả những gì chúng tôi nhận được từ Mỹ vẫn chỉ là "ngửi mùi thịt lươn", một quan chức quốc phòng Nhật Bản ví von việc sở hữu Spy-6 như được sở hữu "đĩa thịt lươn rán đặc sản" của nước này.

Khao khát sở hữu Spy-6 ngày càng lớn hơn khi Triều Tiên sáng 29/8 phóng tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Đích thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, hành động của Triều Tiên là "hết sức bất cẩn" và "chưa từng có tiền lệ".

Quan hệ đồng minh có còn "vững như bàn thạch"?

Việc Mỹ vẫn tiếp tục trì hoãn cung cấp hệ thống radar Spy-6 khiến Nhật Bản ngày càng cảm thấy "dễ bị tổn thương" trước tầm sát thương của tên lửa Triều Tiên và khiến những lời trấn an của Mỹ về cam kết bảo vệ đồng minh Nhật Bản ngày càng trở nên "thiếu trọng lượng".

Trước đó, tân Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William Hagerty ngày 18/8 từng ca ngợi trước mặt Thủ tướng Shinzo Abe rằng, quan hệ Mỹ-Nhật là quan hệ "vĩ đại nhất trên thế giới".

Cùng ngày, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford trong cuộc trao đổi với Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Đô Đốc Katsutoshi Kawano, cũng mô tả quan hệ liên minh Mỹ-Hàn là "vững như bàn thạch".

Dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn khẳng định, chẳng có gì bảo đảm rằng Nhật Bản sẽ sở hữu hệ thống radar này. Trong khi Hải quân Mỹ ủng hộ việc cung cấp hệ thống radar Spy-6 cho Nhật Bản thì Cơ quan Phòng vệ Tên lửa Mỹ phụ trách việc phát triển Spy-6 lại khá miễn cưỡng trong việc này.

Giới chức Cơ quan Phòng vệ Tên lửa Mỹ cho biết, họ muốn quân đội Mỹ triển khai hệ thống này trên khắp đất nước trước khi bàn giao cho bất kỳ đồng minh nào khác, kể cả đồng minh thân thiết như Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc, Nhật Bản chỉ có thể sở hữu Spy-6 sớm nhất là vào năm 2022.

Nhật Bản sẽ phải "tự thân vận động"?

Hơn thế nữa, để có thể có được Spy-6 vào năm 2022, Nhật Bản sẽ phải tìm cách để các nhà thầu quốc phòng phụ trách việc phát triển hệ thống này là Raytheon và Lockheed Martin đồng ý cấp phép cho họ tiếp nhận và thử nghiệm hệ thống này trước đó.

Bất kỳ một sự trì hoãn nào của Raytheon và Lockheed Martin trong việc cấp phép cho Nhật Bản cũng đồng nghĩa với việc chi phí xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này sẽ bị đội lên chóng mặt khi vừa phải nâng cấp hệ thống tên lửa Aegis hiện có vừa phải đổ thêm tiền chi cho việc tích hợp Spy-6 vào hệ thống này sau đó.

Hiện Nhật Bản dự định thiết lập 2 tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis trị giá mỗi tổ hợp vào khoảng 700 triệu USD (chưa bao gồm tên lửa đánh chặn) dọc bờ biển nước này.

Tổ hợp Aegis mới này sẽ sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA mới có tầm hoạt động lên tới 2.000km- gấp đôi so với các tên lửa SM-3 hiện tại. Tuy nhiên, giá của các quả tên lửa SM-3 Block IIA lên tới 30 triệu USD/quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại