Bà Vương (57 tuổi, sống tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc) nói: “Tôi vô cùng bất ngờ, bởi từ khi sinh ra tới giờ đây là lần đầu tiên tôi biết sỏi mũi có tồn tại. Đáng sợ nhất là thứ đen kịt, cứng như đá và bốc mùi hôi thối ấy lại được lấy ra từ chính mũi của mình”.
Theo bà kể lại, khoảng 6 tháng trước bà bắt đầu bị nghẹt mũi bên trái. Lúc đầu, bà Vương cho rằng đó là do cảm lạnh, thay đổi thời tiết nên cứ mặc kệ. Hơn một tuần sau, nghẹt mũi chưa khỏi bà mới đi mua thuốc nhỏ mũi và vài loại thuốc viên từ hiệu thuốc về uống. Nhưng dù dùng thuốc cũng chỉ đỡ được một vài ngày là đâu lại vào đấy, khiến bà chán nản cho rằng hệ miễn dịch của mình bị suy yếu do có tuổi.
Ngay cả khi xuất hiện thêm triệu chứng chảy dịch có mùi hôi bà Vương vẫn chủ quan tự vệ sinh, dùng thuốc nhỏ tại nhà vì ngoài ra chẳng có cảm giác đau hay khó chịu nào khác. Cho đến gần đây, triệu chứng nghẹt mũi, hôi mũi ngày càng trầm trọng, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của bà, những người xung quanh liên tục than phiền bà mới chịu tới bệnh viện thăm khám.
Ngày 8/3/2024, con gái bà Vương đưa mẹ tới Bệnh viện Puren Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) để khám mũi và kiểm tra sức khỏe tổng thể như một món quà nhân Quốc tế phụ nữ. Sau khi khám, bác sĩ Lý thuộc Khoa Tai mũi họng phát hiện niêm mạc mũi của bà Vương bị xung huyết, vách ngăn mũi bị lệch, phía sau cuốn mũi dưới bên trái có dị vật giống như đá màu đen, to bằng hạt đậu. Mũi của bà cũng bị viêm nhiễm, chảy mủ và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu.
Làm thêm một số kiểm tra chuyên sâu khác, bác sĩ Lý kết luận bà Vương bị sỏi mũi và viêm mũi nặng, cần phẫu thuật. Cả bà Vương và con gái đều sững sờ, bởi đây là lần đầu tiên họ biết sỏi có thể hình thành ở mũi, lại còn nghiêm trọng tới như vậy. Trước nay họ chỉ biết tới sỏi thận, sỏi dạ dày, sỏi bàng quang… và cho rằng mũi chẳng thể nào sinh ra sỏi.
Bác sĩ cảnh báo những triệu chứng của sỏi mũi dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua
Tiến sĩ Cheng Hongzheng, Trưởng khoa Tai mũi họng bệnh viện Puren Vũ Hán cho biết: “Rất nhiều người giống như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân kể trên, không biết sỏi mũi là gì, nghiêm trọng ra sao. Cũng không ít người thường xem nhẹ triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, mũi có mùi hôi tanh khác lạ, chảy mủ dai dẳng trong thời gian dài mà không hay đó có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng ở mũi hoặc các cơ quan khác”.
Ông giải thích thêm rằng, sỏi mũi (rhinolith) là tình trạng có dị vật trong khoang mũi, gây ảnh hưởng hô hấp, chảy nước mũi hoặc máu mũi liên tục lâu dài. Sỏi mũi được chia thành sỏi mũi giả và sỏi mũi thật. Nếu vật lạ từ bên ngoài đưa vào như đậu nành, cao su… thì gọi là sỏi mũi giả. Còn nguyên liệu hình thành sỏi là của chính cơ thể thì tức là sỏi mũi thực sự. Ví dụ như mủ, vảy, viêm nhiễm… các chất canxi lắng đọng trong hốc mũi, Amidan hoặc ống tuyến nước bọt hình thành.
“Với trường hợp của bà Vương, điều tra bệnh sử chỉ ra bà đã trải qua ca phẫu thuật đặt ống lệ đạo cách đây 10 năm nên khả năng cao một phần ống quá dài, lâu ngày gây kích ứng niêm mạc mũi và sinh ra các vết loét và một lượng lớn chất tiết. Sau khi chất tiết bao bọc các hạt vật thể lạ, nước dần dần bay hơi và các muối vô cơ lắng đọng lại tạo thành những khối vật thể lạ cứng. Sau khi tích tụ và lắng đọng lâu dài, các khối sỏi mũi được hình thành” - Tiến sĩ Cheng Hongzheng nói.
Đến ngày 11/3/2024, bà Vương đã được phẫu thuật nội soi để loại bỏ sỏi mũi, điều chỉnh vách ngăn mũi và ống lệ đạo. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, bà Vương tiếp tục nằm viện 1 tuần để theo dõi và điều trị viêm mũi. Khi chính mắt nhìn thấy 2 viên sỏi mũi to bằng hạt đậu, màu đen và bốc mùi hôi thối khủng khiếp được lấy ra từ mũi mình, bản thân bà cũng không nhịn được mà rùng mình rồi nhăn mặt.
Theo Tiến sĩ Cheng Hongzheng: "Triệu chứng của sỏi mũi có thể bao gồm cảm giác đau hoặc khó chịu trong mũi, chảy nước mũi, hơi thở có mùi, dịch mũi có mùi hôi, dịch mũi có lẫn máu và đôi khi gây khó khăn trong việc thở nếu sỏi lớn và chắn đường thông không khí. Nếu 1 trong số các triệu chứng này kéo dài quá 2 tuần, hãy nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám thay vì tự ý điều trị hoặc xem nhẹ mà bỏ qua".
Ông cũng nhắc nhở, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên bỏ thói quen xấu ngoáy mũi bừa bãi, lười vệ sinh mũi hoặc vệ sinh quá mức. Những người từng phẫu thuật mũi, bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ có đặt dị vật vào mũi cần kiểm tra khoang mũi thường xuyên để tránh hình thành sỏi mũi và các bệnh về mũi khác.
Nguồn và ảnh: QQ, ETtoday, Family Doctor