Không được chữa trị sớm, bệnh vảy nên sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề
Bệnh viện Da Liễu TP HCM cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp bị bệnh vảy nến biến dạng các khớp do uống thuốc nam của thầy lang. Bệnh nhân là N.L.A (47 tuổi, ngụ Đắc Lắc), nhập viện trong tình trạng đỏ da tróc vảy toàn thân, các khớp chân, tay, gối sưng to, biến dạng.
Khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân này được người thân chỉ đến một thầy lang bốc thuốc nam để uống. Khi uống được một tháng, bệnh phát nặng hơn, toàn thân sưng đỏ, người sốt, các khớp sưng to, biến dạng.
TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, viêm khớp vảy nến là một thể nặng của bệnh vảy nến và rất khó trị dứt điểm. Viêm khớp vảy nến nếu không được chữa trị sớm sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề, có thể gây ra tình trạng viêm khớp phá hủy, dẫn đến biến dạng khớp và tàn phế vĩnh viễn.
Viêm khớp xảy ra trên khoảng 10 – 30% bệnh nhân vảy nến với các biểu hiện lâm sàng của bệnh như: Đau ở các khớp đầu gối, mắt cá chân, cùi chỏ; Đau lưng khu vực cột sống; Cứng khớp buổi sáng; Viêm sưng ở ngón tay, ngón chân khiến ngón sưng và có hình khúc dồi; Móng tay, chân bị rổ vàng và ly ra khỏi phần thịt mềm dưới móng…
Trong những trường hợp nặng, viêm vảy nến khớp có thể gây biến dạng, phá hủy khớp không hồi phục, khiến bệnh nhân bị tàn phế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến , tuy nhiên vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn. Bệnh nhân vảy nến cần lưu ý quan tâm đến các yếu tố làm bùng phát bệnh như thời tiết, mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng.
Bệnh nhân bị bệnh vảy nến phải nhớ để tránh những điều sau:
Một trong những vấn đề của bệnh nhân vảy nến là ngứa mạn tính nên dẫn đến bệnh nhân cào gãi làm viêm nặng hơn, gây ngứa và gãi nhiều hơn, dẫn đến chu kỳ bệnh lý "ngứa – gãi". Ngoài ra, việc cào gãi làm tổn thương da dẫn đến hình thành những mảng vảy nến mới, đó là hiện tượng Koebner.
Theo các bác sĩ Bệnh viện da liễu thành phố Hồ Chí Minh khi bị bệnh vảy nến người bệnh tránh tắm gội bằng nước quá nóng. Nên dùng nước ấm cùng với chất rửa không chứa hương liệu. Chỉ sử dụng những sản phẩm chăm sóc da nhẹ, dịu, nên mang găng khi tiếp xúc với hóa chất hay chất tẩy rửa.
Tránh cào gãi vì có thể làm tổn thương da, vi khuẩn dễ xâm nhập gây nhiễm trùng. Cào gãi cũng gây xuất huyết da và làm nặng tình trạng vảy nến. Cắt ngắn móng tay để giảm thiểu những tổn thương do cào gãi.
Không bóc, cậy các thương tổn vì giống như cào gãi, sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng và làm nặng tình trạng vảy nến. tránh dùng bia rượu và cà phê.
Biện pháp kiểm soát ngứa do bệnh vảy nến
Theo các bác sĩ Bệnh viện da liễu thành phố Hồ Chí Minh các phương pháp kiểm soát ngứa do bệnh vảy nến như:
- Dùng thuốc kháng histamine: Thuốc này tác động lên dẫn truyền thần kinh liên quan đến ngứa và có thể tác dụng an thần, giúp bệnh nhân ngủ dễ hơn. Ban ngày nên dùng những loại thuốc không an thần và phải theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Sử dụng chất làm mềm da và dưỡng ẩm: Chất làm mềm giúp da trở nên mềm mại. Chất dưỡng ẩm giúp phòng ngừa khô và nứt da. Nên bôi chất dưỡng ẩm sau khi tắm. Việc sử dụng chất dưỡng ẩm thường xuyên có thể phòng ngừa triệu chứng ngứa và đau do da khô và giảm vảy cũng như viêm da.
- Thuốc bôi corticosteroid: Dù là dạng kê toa hay không kê toa, corticosteroid được dùng khá rộng rãi để điều trị nhiều loại bệnh lý gây ngứa. Tuy nhiên, cần phải thận trọng khi sử dụng loại thuốc này vì có những tác dụng phụ như gây mỏng da, giãn mạch…
- Chườm lạnh bằng túi đá: Đây là 1 trong những cách giảm ngứa nhanh chóng và dễ dàng nhất.
- Băng kín thương tổn: Sau khi bôi thuốc, phủ lên vùng da bệnh bằng các miếng nhựa, vớ, găng tay… hàng giờ để tăng tác dụng chống ngứa và hạn chế thói quen cào gãi.