PGS.BS. Lê Hải Chi – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân Y) là người đầu tiên tại Việt Nam đưa âm nhạc vào trị liệu tâm thần cho bệnh nhân. Ông là người đặt nền móng phát triển mô hình điều trị cửa mở có quản lý. Bệnh nhân tâm thần không phải điều trị khóa trái trong những căn phòng với 4 bức tường trắng. Họ được chữa bệnh như đang đi an dưỡng, trước khi quay trở lại cuộc sống của người bình thường.
Qua lời kể của người học trò GS.TS.BSCC Cao Tiến Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, nguyên chủ nhiệm Bộ môn, chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103 (Học viên Quân Y), Phó Giáo sư Chi là một người thầy "đặc biệt" của bao thế hệ sinh viên ngành quân y.
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu tới độc giả những hồi ức của Giáo sư Cao Tiến Đức về người thầy giáo đáng kính - Phó Giáo sư Lê Hải Chi.
Bệnh nhân là số 1: Người “điên” cũng cần tôn trọng
PV: Phó Giáo sư Lê Hải Chi là một trong những người đặt nền móng cho bộ môn sức khỏe tâm thần tại Việt Nam, ông ấn tượng điều gì nhất ở thầy?
GS.Cao Tiến Đức: Thầy Chi một người “đặc biệt” luôn dành cả trí lực, tâm lực, thời gian tâm huyết cho bệnh nhân và dạy dỗ học sinh.
Ưu tiên số 1 của thầy là bệnh nhân, sau là học sinh. Tôi còn nhớ mãi bài giảng đầu đời mà thầy dạy chúng tôi không phải là kiến thức uyên bác, cao siêu, chữa cho bệnh nhân bằng cách này hay điều trị cho bệnh nhân bằng cách kia… Thầy chỉ nói một điều đơn giản: “Các em muốn điều trị được cho bệnh nhân tâm thần thì phải coi bệnh nhân là bệnh nhân bình thường. Người bác sĩ muốn thấu cảm với bệnh nhân thì phải tôn trọng, yêu thương họ như chính người thân của mình”.
Lúc đó, tôi vẫn còn là sinh viên thực tập, chưa thực sự thấm những lời dạy của thầy. Nhưng tới khi theo đuổi con đường chữa bệnh cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tôi mới thấy lời thầy dạy rất sâu sắc.
Tôi vẫn nhớ ánh mắt hiền từ bao dung của thầy khi trò chuyện với bệnh nhân.
Với học trò, thầy không nề hà, bất kể khi nào học sinh cần hỏi, thầy cũng đều trả lời tận tình. Tôi còn nhớ có lần thầy đang bận tiếp khách nhưng chúng tôi đến hỏi bài thầy cũng gác mọi chuyện lại để hỏi chuyện, giải thích cặn kẽ.
PV: Không chỉ quan tâm tới bệnh nhân, học trò mà thầy Chi cũng rất sâu sát với nhân viên trong khoa?
GS.Cao Tiến Đức: Khi tới khoa sức khỏe tâm thần thực tập, tôi thấy mọi người trong khoa là một tập thể kỷ luật, có nguyên tắc, nhưng sống rất tình cảm.
Thầy Chi bận bịu công việc bên học viện và tại khoa là vậy nhưng thầy vẫn rất quan tâm tới đời sống của nhân viên trong khoa. Thầy biết hoàn cảnh của từng người để có thể sắp xếp công việc và lịch trực phù hợp.
PV: Làm việc với một người hiền hòa như Phó Giáo sư Chi, chắc ông không bị áp lực?
GS.Cao Tiến Đức: Thầy sống tình cảm, hiền hòa với mọi người, nhưng trong công việc lại đòi hỏi rất cao. Ai vi phạm nguyên tắc thầy sẽ phạt rất nặng, đình chỉ làm việc...
Trước mỗi ca bệnh khó, thầy luôn là người trực tiếp quan tâm sát sao mọi chuyển biến. Buổi sáng tới nơi làm việc thầy sẽ xuống thăm bệnh nhân nói chuyện. Buổi trưa, thậm chí cả buổi chiều nghỉ làm thầy cũng ghé qua phòng bệnh nhân để xem quá trình điều trị tiến triển ra sao. Sự nghiêm túc trong công việc của thầy giúp chúng tôi rút ra một điều, đó là luôn coi bệnh nhân là số 1.
PV: Thầy Chi đã từng nổi nóng chưa?
GS.Cao Tiến Đức: Có chứ, tôi nhớ có lần một nhân viên làm nhiệm vụ gác cửa tại khoa có lời qua tiếng lại và 'tác động vật lý' với bệnh nhân. Khi biết chuyện thầy đã rất giận, thầy đã kỷ luật người đó rất nặng. Thậm chí thầy đã đòi truy tố trách nhiệm hình sự với người có hành động không đúng mực với bệnh nhân.
Thầy dạy rằng bản thân bệnh nhân tâm thần đã bị xã hội kỳ thị rồi. Khi vào tới khoa này mọi người cần phải đối xử với họ như một người bình thường. Không thể vì chuyện họ không kiểm soát được hành vi mà lại tác động tổn thương họ thêm nữa.
Coi bệnh nhân như người thân nên thầy cũng luôn răn đe chúng tôi: “Không được đối xử thô bạo với bệnh nhân. Luôn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân”.
Khi có thời gian, thầy sẽ đi thăm hết tất cả các bệnh nhân trong khoa, nói chuyện, hỏi thăm bệnh tình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân. Do đó bệnh nhân cũng rất tin tưởng thầy. Sau này, tôi cũng học cách thầy đối xử ân cần với bệnh nhân.
Mô hình chữa bệnh nhân văn, khoa học nhất thế giới
PV: Có 1 tình yêu thương lớn dành cho người bệnh tâm thần nên Phó Giáo sư Chi đã xây dựng một mô hình khoa, phòng “đặc biệt” không giống ở đâu?
GS.Cao Tiến Đức: Tại khoa sức khỏe tâm thần, từ những năm 1976, bệnh nhân tâm thần đã được tự do đi lại trong khuôn viên. Đây là mô hình “Cửa mở có quản lý”, chữa bệnh nhân văn, khoa học nhất thế giới khi đó. Mô hình này được thầy áp dụng tại Việt Nam ngay khi thầy đi học ở Đức về.
Tôi nhớ có những bệnh nhân tâm thần đã điều trị tại những nơi khác khi tới khoa của viện chúng tôi, họ đã thốt lên: “Vào khoa bệnh đã giảm đi được 50%, chưa cần điều trị”.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về mô hình “Cửa mở có quản lý” mà Thầy Chi đã áp dụng?
GS.Cao Tiến Đức: Thời điểm đó, hầu hết cơ sở tâm thần trong cả nước phải giam giữ người bệnh, cách ly với xã hội bên ngoài. Việc “giam” bệnh nhân trong phòng bệnh 24/24 khiến cho người không điên cũng trở nên phát điên.
Do đó, sau khi đi Đức về, thầy Chi đã xây dựng đề án mô hình “Cửa mở có quản lý”. Năm 1976, với sự kiên định và thuyết phục bằng lý lẽ khoa học, đề án của thầy đã được Bệnh viện Quân y 103 chấp nhận.
Nhận được tin vui này, ngay sau đó thầy Chi cho phá bỏ những buồng “giam” chữa bệnh. Thầy cho xây dựng khuôn viên ngay trong khoa, khoa phòng luôn mở cửa.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tới khoa sức khỏe tâm thần thực tập, tôi đã rất lo lắng.
Vì tại khoa có những bệnh nhân đặc biệt cảm xúc, tình cảm, tư duy, hành vi của họ không bình thường. Đôi khi họ mất kiểm soát và gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Tuy nhiên, khi vào khoa tôi lại khá bất ngờ và ngạc nhiên. Bệnh nhân tâm thần ở đây mắc nhiều bệnh lý và mức độ bệnh khác nhau nhưng số người phải cố định trên giường để tiêm, truyền rất ít. Còn lại bệnh nhân mặc quần áo gọn gàng sạch sẽ. Họ tập thể dục, làm vườn, lao động … Nhìn họ như trong một trại an dưỡng chứ không phải đi chữa bệnh tâm thần.
Với mô hình “Cửa mở có quản lý”, bệnh nhân tâm thần được tự do đi lại trong khuôn viên, được tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, được lao động, học tập như: dệt chiếu, may vá, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh, vẽ tranh, nặn tượng… Họ được xem phim, nghe nhạc do các nghệ sỹ nổi tiếng biểu diễn, hoặc họ tự biểu diễn. Tất cả những hoạt động đó nhằm nhanh chóng đưa người bệnh sớm tái hoà nhập với cộng đồng, sớm trở về với gia đình.
PV: Khi các “buồng giam" điều trị bệnh nhân bị phá bỏ, Phó Giáo sư Chi có tính tới trường hợp bệnh nhân mất hành vi kiểm soát có thể gây hại cho bác sĩ?
GS.Cao Tiến Đức: Khi thầy Chi áp dụng mô hình này cũng nhiều người đặt ra nghi vấn, rất nhiều người trong ngành cũng băn khoăn về điều đó. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh thầy Chi đã rất đúng khi áp dụng mô hình điều trị nhân văn, khoa học này cho bệnh nhân tâm thần.
Bệnh nhân tâm thần đã cân bằng cảm xúc tốt, bệnh ổn định, thời gian điều trị được rút ngắn. Trường hợp bệnh nhân khi không kiểm soát hành vi, không hợp tác điều trị, thầy sẽ cho cố định bằng dây tại giường hoặc bằng thuốc.
Việc cố định bệnh nhân đôi khi không phải do người bệnh không hợp tác mà chỉ đơn giản sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân buộc phải nằm vì nếu đứng dậy, đi lại có thể gây tụt huyết áp, rất nguy hiểm.
Và việc cố định bệnh nhân chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, khoảng vài tiếng đồng hồ. Sau đó bệnh nhân lại quay trở lại sinh hoạt bình thường.
Sau này, thầy cũng đã thuyết phục nhân rộng mô hình “Cửa mở có quản lý” ở nhiều bệnh viện khác.
PV: Thầy Chi cũng đã tiên phong đưa âm nhạc vào điều trị cho bệnh nhân tâm thần?
GS.Cao Tiến Đức: Đúng vậy, thầy Chi là một người rất thích âm nhạc. Khi điều trị cho bệnh nhân tâm thần, thầy cũng tận dụng sức mạnh của âm nhạc. Đây là liệu pháp “đặc biệt” giúp bệnh nhân thụ động thưởng thức các chương trình âm nhạc của các nghệ sĩ biểu diễn.
Thậm chí bệnh nhân cũng được trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, tự tin trình bày tác phẩm của mình trên sân khấu. Bệnh nhân được hát, diễn kịch sẽ tạo ra những cảm xúc, tâm lý ổn định.
Liệu pháp điều trị bằng âm nhạc cũng đã áp dụng rất thành công ở Đức.
Việc áp dụng liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Quân y 103 rất đơn giản. Chủ yếu là bệnh nhân nghe một số bản nhạc mang tính thư giãn, thỉnh thoảng được xem các nghệ sĩ biểu diễn.
PV: Thầy Chi chính là lý do khiến ông quyết định theo ngành sức khỏe tâm thần?
GS.Cao Tiến Đức: Thời tôi đi học, sức khỏe tâm thần là ngành mới, mọi người chưa hiểu nên có những kỳ thị nhất định. Tuy nhiên, khi tới khoa thực tập, được chứng kiến cách thầy Chi đối xử với bệnh nhân, dạy bảo với sinh viên, tôi đã quyết định theo ngành sức khỏe tâm thần.
Đến bây giờ tôi vẫn thấy quyết định đó là đúng đắn và tôi hạnh phúc.
Rất may mắn, khi tôi sắp ra trường, chính thầy Chi đã đưa tôi về khoa. Được làm việc với thầy tôi lại càng thêm kính trọng. Mỗi khi có ca bệnh khó, tôi vẫn cần tới sự trợ giúp của thầy. Dù bất cứ lúc nào thầy cũng sẵn sàng giúp đỡ.
Cũng muốn nói thêm rằng thầy Chi là một trong những người đầu tiên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Dù kết quả còn rất khiêm tốn nhưng thầy dạy cho sinh viên biết phương pháp nghiên cứu khoa học là thế nào.
Lúc tôi mới về khoa, thầy đã là Đại tá nhưng sống rất giản dị, gần gũi. Quần áo thầy mặc cũng chỉ có một vài bộ quân phục. Tôi lại càng thấy trân trọng thầy Chi hơn.
Thầy Chi rất đam mê công việc. Vì lẽ đó, khi đến tuổi nghỉ hưu, thầy Chi vẫn quyết định sang Angola làm chuyên gia. Với kiến thức y học sâu rộng, sử dụng thành thạo 5 ngoại ngữ, thầy đã giúp đỡ rất nhiều cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân Angola và công tác giảng dạy tại nơi này. Thầy được nhân dân và tổng thống Angola quý trọng.
Học tập thầy, tôi cũng luôn quan tâm, hết lòng vì bệnh nhân và học sinh của mình.
Cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và thành công!