Cầm kết quả xét nghiệm ADN trên tay, anh Nguyễn Văn Cường (*) (42 tuổi, ở Hà Nội) không tin được rằng đứa con trai suốt 10 năm qua anh rất mực yêu thương lại không phải con đẻ của mình. Do vậy, anh đã tìm tới các trung tâm xét nghiệm khác để mong kết quả trước có sai số.
Vợ anh Cường là thư ký cho một công ty xuất nhập khẩu, thường xuyên phải ra nước ngoài công tác. Khoảng 2 năm trở lại đây, anh Cường thường xuyên đi công tác, đi sớm về khuya. Do vậy, những lời đồn thổi chị có quan hệ ngoài luồng xuất hiện ngày càng nhiều. Anh Cường đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định âm thầm đi làm xét nghiệm quan hệ huyết thống.
Anh Cường đã đi xét nghiệm ADN ở 3 nơi khác nhau, tất cả đều cho kết quả không cùng huyết thống. Anh chỉ mong kết quả sai nhưng các trung tâm đều khẳng định không hề có sự nhầm lẫn.
Anh Cường nói anh không biết đối mặt sự thật ra sao vì anh rất yêu thương đứa trẻ.
Đại tá Hà Quốc Khanh - nguyên Giám đốc Trung tâm giám định ADN (Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an), cố vấn chuyên môn Gentis, cho biết trường hợp như anh Cường không hề hiếm gặp và thực tế không phải ai cũng đủ bản lĩnh, lòng vị tha để chấp nhận sự thật đó.
Trong thời gian làm xét nghiệm, giám định ADN, ông Khanh cũng đã gặp không ít trường hợp những người đàn ông nuôi con người khác. Số ít trong đó chấp nhận sự thật, coi đó là bí mật riêng của mình, cũng có những trường hợp xin trung tâm sửa kết quả nhưng điều đó là không thể.
Ông Khanh chia sẻ khi biết một sự thật nào đó liên quan tới kết quả xét nghiệm ADN, mỗi người sẽ có cách ứng xử khác nhau như: đau thương, phẫn nộ, căm hờn hoặc cảm thông... Ông rất tôn trọng và thông cảm với khách hàng. Vì xét nghiệm ADN chỉ mang giá trị về khoa học khi xác định được huyết thống, nó không mang tính quyết định trong mối quan hệ gia đình.
Trẻ nhỏ không hề có tội. Do vậy, khi có kết quả xét nghiệm, dù như thế nào thì cũng cần phải suy nghĩ thấu đáo mọi vấn đề để từ đó đưa ra quyết định phù hợp nhất, ông Khanh khuyên.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.