Trước đó, sau khi ăn cơm bé P.T.A (13 tuổi, trú xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An) dùng tăm xỉa răng, vô tình trong lúc ngậm tăm đã nuốt cả cây tăm vào bụng. Một trường hợp khác là bé N.Q.N (7 tuổi, trú xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) cũng nuốt phải que tăm tương tự.
Vào giữa tháng 4/2021, các bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An trong tình trạng bị đau bụng, chướng, kèm theo sốt.
Tại đây, sau khi được chỉ định làm siêu âm và chụp X.Quang tìm tổn thương trong ổ bụng, các bác sĩ phát hiện cả hai bệnh nhi đều bị thủng ruột do cây tăm xuyên qua. Ngay sau đó, các bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật nội soi rửa sạch ổ bụng, khâu lại lỗ thủng.
Hình ảnh tăm tre xuyên thủng ruột bệnh nhi.
Theo gia đình 2 cháu bé cho biết, sau khi nuốt phải dị vật, các bé vẫn bình thường, không đau bụng nên không nói với cha, mẹ. Hai ngày sau, các bé bắt đầu có biểu hiện đau bụng ngày càng nhiều, không đại tiện được.
Sau khi được phẫu thuật, sức khỏe của hai bé đều ổn định, ăn uống tốt và đã được xuất viện về nhà.
Theo Bác sĩ Trần Văn Trung, phẫu thuật viên khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, dị vật đường tiêu hóa ở trẻ khá thường gặp, đối với các vật sắc nhọn như tăm tre, kẽm gai, đầu kim... trẻ phải theo dõi tại bệnh viện để đề phòng biến chứng có thể xảy ra. Triệu chứng báo hiệu có biến chứng thường là đau bụng ngày càng tăng, đi ngoài phân có máu, sốt, chướng bụng, nôn, chán ăn.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, ngậm tăm sau khi ăn là thói quen rất nguy hiểm. Mọi người có thể vô tình nuốt chiếc tăm, dị vật đi vào ống tiêu hóa.
Tăm tre không bị men tiêu hoá phân hủy nên sẽ di chuyển trong suốt chiều dài của lòng ruột, dễ gây nên nhiều biến chứng, nặng nhất gây thủng ống tiêu hoá và viêm phúc mạc toàn thể, ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng. Khi không may trẻ nuốt phải tăm hay các dị vật khác, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tư vấn can thiệp và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.