Sáng ngày 17-4-1979, đoàn tập trung về Tỉnh ủy Thái Bình rồi ra Hà Nội, tập kết tại sân bay Gia Lâm vào Sài Gòn và xuống huyện Thủ Đức, bắt đầu việc học tập chính trị, ngôn ngữ và phong tục tập quán của nước bạn.
Vào một buổi sáng sớm của ngày thu năm 1979, chiếc xe ca loại tốt đưa chúng tôi về thành phố Phnôm Pênh. Lúc này là 16 giờ. Thành phố vắng tanh.
Bữa cơm chiều mang tính quốc tế đầu tiên hôm ấy dù đơn giản nhưng có lẽ do chặng đường hành quân mệt nhọc nên anh em ăn rất ngon miệng. Sau đó chúng tôi di chuyển ngay. Tôi, anh Liêu và anh Mão thành lập tổ xuống huyện Thô Pông xây dựng chính quyền cho bạn.
Quân tình nguyện Việt Nam truy quét tàn quân Khơme đỏ. Ảnh tư liệu
Sau một tháng trong rừng chúng tôi chuyển về Thô Pông, một huyện lỵ thời Khơme Đỏ đã xây dựng khang trang, có sân bay. Nơi chúng tôi dừng lại làm việc cách hố chôn khoảng bốn ngàn người của bọn diệt chủng chừng 5km, cũng rờn rờn.
Sống trên đất bạn những ngày đó, ở đâu cũng căng thẳng. Ta với địch giành giật từng tấc đất. Đêm nào có bộ đội hành quân tới mới có được một đêm giấc ngủ ngon lành.Chặng đường từ tỉnh về huyện dài 150km đường rừng khá gian truân.
Xe phải cắt rừng mà đi, có đoạn đường lầy lội phải nghỉ lại đêm. Lúc này bạn chưa có chính quyền cấp huyện, có việc bạn đều đến hỏi ý kiến chúng tôi. Rất mừng là chúng tôi được nhân dân Campuchia quý mến, lúc thì cho khoai, khi thì tấm bánh, quả cam...
Sau hai tháng ở Thô Pông, chúng tôi chuyển về xã BrambâyMum để thành lập huyện mới. Bạn mới cử được ba cán bộ về thành lập huyện, nhưng chưa phải là đảng viên. Ba anh em chúng tôi cùng bạn đi vận động, tuyên truyền đến từng phum, khum.
Anh em chúng tôi xuống xã lúc đi bộ, khi đi xe bò, có lúc đi cả voi. Sau năm ngày thì nhân dân đã chở hàng vạn cây gỗ vành bè về cắm huyện, khí thế hào hùng như ngày hội.
Doanh trại có rồi, lại phải có lực lượng vũ trang. Đại đội huyện được thành lập gồm 110 người và phân công luân phiên canh gác ban đêm. Mọi việc tưởng sẽ yên ổn, chẳng ngờ phát sinh tình huống, mà đến giờ chúng tôi vẫn nhớ mãi.
Ấy là khi các mũi canh phòng cơ bản an toàn thì có một mũi đêm nào cũng nổ súng khiến anh Mác-Phó công an huyện phải đề xuất tăng cường nhân lực, tối vào, sáng lại về sản xuất. Bạn và chúng tôi đồng ý, nhưng tình hình vẫn xảy ra phức tạp, tiếng súng vẫn nổ trong rừng.
Một hôm, Mác còn mang một khẩu súng nói là thu được của địch, nhưng ta bí mật kiểm tra thì khẩu súng này là súng ở trong kho huyện. Mác thường xuyên có tin Pôn Pốt về chỗ này, chỗ nọ tổ chức văn nghệ tuyên truyền đảng Sêrêca gây hoang mang.
Nhiều lần các cơ sở cho biết Mác thường xuống các khum thu vũ khí tự xưng là sư phó của Pôn Pốt, hoặc có chỗ nói là phụ trách đảng Sêrêca...
Nhân dân Campuchia vui mừng chào đón Quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Trước tình hình đó, chúng tôi quyết định tổ chức hội nghị cải tạo chính quyền hai mặt. Tuy nhiên tới ngày thứ bảy chưa ai tự thú. Một hôm có một cán bộ Sóc đến gặp chúng tôi nói về tình hình Pôn Pốt, vô tình đi qua nghe được, Mác tưởng là nói về tội lỗi của y, nên đã tự thú.
Chúng tôi liền mở hội nghị cho Mác báo cáo công khai. Chẳng ngờ, qua hội nghị này có 120 cán bộ chủ chốt của khum thì 96 người đã nhận ở trong đảng Sêrêca. Nếu không có tình huống bất ngờ, phát hiện kịp thời và báo cho cấp trên của bạn những âm mưu thâm độc của địch thì không biết sự tình sẽ diễn biến tiếp theo ra sao.
Biết được sự tình, chúng tôi chủ động tìm phương pháp giải quyết, đồng thời tích cực tuyên truyền làm rõ một phần âm mưu của địch trong việc cài người vào đại đội huyện. Tết năm đó, cũng là cái Tết đầu tiên trên đất bạn.
Chúng tôi không ăn Tết tập trung mà cùng với cán bộ của bạn đến từng nhà dân quanh vùng. Vừa kết hợp thực hiện tục lệ ngày Tết ở Việt Nam sang thăm nhà hàng xóm chúc nhau sức khỏe, chúng tôi vừa nghe ngóng tâm tư của bà con cũng như tuyên truyền cho họ biết thủ đoạn của kẻ địch.
Tình cảm đoàn kết giữa Quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân Campuchia nhờ đó cũng ngày càng gắn bó…
Ghi theo lời kể của đồng chí Tô Hướng, thành viên Đoàn chuyên gia tỉnh Thái Bình giúp Campuchia thập niên 80 của thế kỷ trước