Hy vọng vào tính năng của loại tên lửa mới
Trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, vấn đề tạo ra loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như vậy là vô cùng cấp bách. Việc chuẩn bị để phóng loại tên lửa này sẽ phải mất ít thời gian nhất có thể, nhưng đồng thời đảm bảo có thể ở trạng thái khởi phóng càng lâu càng tốt.
Nói cách khác, cần phải tăng tính hiệu quả về sức mạnh của tên lửa chiến lược và tăng thời gian chuẩn bị cho tên lửa được phóng đi. Tất nhiên, tên lửa phải có đủ tầm bay xa để từ sâu bên trong lãnh thổ của Liên Xô có thể tấn công vào bất kỳ địa điểm nào trên đất nước của đối thủ.
Đáp ứng được với tất cả những điều kiện đó, dự án tên lửa P-16 được đề xuất vào năm 1956 bởi OKB-586 (Văn phòng thiết kế đặc biệt) dưới sự lãnh đạo của nhà thiết kế hệ thống tên lửa vũ trụ Nga Mikhail Yangel và được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản (UBTƯ ĐCS) Liên Xô phê duyệt vào đầu năm 1959.
Tính năng quan trọng của tên lửa mới giúp nó có thể nhanh chóng sẵn sàng phóng đi và được duy trì trong một thời gian dài bởi thùng chứa nhiên liệu có sử dụng nhiên liệu lỏng từ các thành phần độc tố với nhiệt độ sôi cao.
Các thành phần như vậy trong P-16 là heptyl và axit nitric. Ngày nay đó là một trong những dạng nhiên liệu thông thường, còn khi đó nó chỉ mới bắt đầu được ra mắt khi sử dụng cho các động cơ.
Sự vội vàng tai hại
Vào mùa thu năm 1960, tên lửa P-16 đầu tiên được chế tạo và được chuyển đến bãi thử Turatam (nay là Baiconur) tại Cộng hòa Kazakhstan thuộc Liên bang Xôviết. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã nôn nóng với việc khởi phóng, ông mong muốn cuộc thử nghiệm thành công trước ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười sắp tới.
Hơn nữa, sau đó ông còn phải thực hiện một chuyến công du nước ngoài, và mỗi thành công mới của công nghệ tên lửa Liên Xô sẽ mang lại cho Khrushchev con át chủ bài trong việc khuếch trương chính sách ngoại giao hạt nhân của mình.
Việc thử nghiệm phóng tên lửa đã được lên kế hoạch vào chiều ngày 23 tháng 10. Khoảng một giờ trước khi bắt đầu, một tình huống bất thường đã xảy ra: việc chập dây dẫn đã sớm cho thấy dấu hiệu về sự suy yếu nguồn cung cấp nhiên liệu ở giai đoạn này. Công việc chuẩn bị khởi phóng buộc phải dừng lại khẩn cấp. Người ta bắt đầu hiểu chuyện gì đã xảy ra, nguyên nhân đã được xác định nhanh chóng.
Theo kỹ thuật an toàn được các nhà thiết kế khuyến nghị, cần phải xả nhiên liệu ra rồi gửi các bộ phận tên lửa đến nhà máy sản xuất để làm rõ và sửa chữa các khiếm khuyết. Điều này sẽ làm chậm việc ra mắt ít nhất là một tháng. Ngoài ra, không được tiếp nhiên liệu cho tên lửa lâu hơn một ngày, sau thời hạn đó cần phải xả nhiên liệu.
Theo sự chứng kiến của những người đương thời, Tổng chỉ huy các lực lượng tên lửa chiến lược, Tư lệnh pháo binh Mitrofan Nedelin đã ra lệnh khắc phục các sự cố trên bệ phóng và tiến hành phóng vào ngay ngày hôm sau, 24-10.
Trong quá trình chuẩn bị trước khi phóng, ông trực tiếp có mặt ở rất gần quả tên lửa. Theo gương của vị tướng này ở vị trí "tuyến đầu", mọi người không dám rời đi chỗ khác để ẩn nấp. Tổng cộng, khoảng 200 người đã có mặt ở bệ phóng, mặc dù số người thực sự tham gia vào công việc không quá 100 người. Nếu không vì "noi gương" Nedelin thì số nạn nhân sẽ ít hơn nhiều.
Cơn bão lửa
Đã hơn một ngày trôi qua kể từ thời điểm cuộc thử nghiệm đã bị gián đoạn vào đêm hôm trước. Ra thông báo sẽ có nửa giờ để sẵn sàng khởi động. Và sau đó đột nhiên diễn ra việc khởi động trái phép các động cơ ở giai đoạn thứ hai. Cả bệ phóng đã bị bao trùm trong vòng lửa.
Tất cả những người đứng ở gần khu vực tên lửa, trong số đó có tướng Nedelin đã bị thiêu rụi chỉ trong tích tắc.
Kể từ đó, giống như sau một vụ nổ hạt nhân, trên mặt đường nhựa chỉ còn lại dấu vết của những vật liệu chịu lửa (chẳng hạn những ngôi sao trên đồng phục của vị tướng). Những người đứng xa hơn một chút thì chết chậm hơn.
Nhiều người đang bị cháy đã cố gắng để thoát ra khỏi làn sóng lửa bao trùm bãi thử. Sự cố bỏng axit nitric và ngộ độc heptyl đã làm tăng thêm bỏng nhiệt. Nhiệt độ cao do vụ hỏa hoạn lớn tại vị trí bệ phóng đã buộc phải nhanh chóng bắt tay vào hoạt động cứu hộ chỉ 2,5 giờ sau đó.
Cái chết của đội ngũ kỹ sư công trình
Theo định dạng công nghệ đã được thử nghiệm, sẽ là không đúng nếu gọi sự kiện này là một thảm họa trong việc thám hiểm vũ trụ. Tuy nhiên, như đã biết, công nghệ tên lửa có chức năng kép. Do đó mà vào ngày 24-10-1960 nhiều người tham gia vào việc phát triển các chương trình vũ trụ của Liên Xô tại Baikonur đã bị thiệt mạng.
Cùng với Tướng tư lệnh Nedelin, các chuyên gia lớn về công nghệ tên lửa và động cơ, các nhà thiết kế chủ chốt - ông Vladimir Konoplev và Georgi Firsov, cũng như phó tư lệnh của Yangel là Lev Berlin và Vasily Kontsevoi đều thiệt mạng.
Bản thân Yangel đã được cứu thoát khỏi tai nạn này bởi ngay trước khi thảm họa xảy ra, ông đã đi ra bên ngoài khu vực dễ cháy để hút thuốc. Chín ngày sau đó, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Công nghệ Quốc phòng Liên Xô Lev Grishin đã qua đời vì bị bỏng nặng. Người chỉ huy ở Baiconur, tướng Konstantin Gerchik bị thương nặng, phải điều trị trong một thời gian dài nhưng đã may mắn sống sót.
Số nạn nhân cho đến nay chưa được biết chính xác
Vụ việc xảy ra đã được giữ bí mật nghiêm ngặt gần như cho đến khi kết thúc sự tồn tại của Liên bang Xôviết. Chỉ mãi đến năm 1989 thì những dữ liệu đầu tiên, không đầy đủ và đã được làm nhẹ đi về sự kiện này mới được công bố trên báo chí Liên Xô.
Báo chí thế giới, như thông lệ, đã phát hiện ra những bí mật của Liên Xô ngay sau vụ tai nạn, thậm chí trước thời điểm cuối năm 1960 đã có thông báo trên diễn đàn về tai họa khủng khiếp tại khu vực thử tên lửa của Liên Xô, nhưng lại xuyên tạc sự thật và thổi phồng sự kiện một cách quá đáng do thiếu những thông tin chính thức và về số người chết.
Cuộc điều tra chính thức chỉ được tiến hành vào giữa những năm 1990 với 74 người chết tại chỗ và 4 người đã chết sau đó tại bệnh viện.
Một số chuyên gia có uy tín cho rằng số liệu thực tế đã bị giảm đi và họ đưa ra con số hơn 100 nạn nhân (ví dụ, học giả Boris Chertok đã đưa con số 126 người đã thiệt mạng và bị chết sau đó do hậu quả). Dữ liệu này hiện nay đã được nhiều phương tiện truyền thông trích dẫn.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau vụ tai nạn, Khrushchev đã cử một ủy ban đến hiện trường, đứng đầu là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô Leonid Brezhnev.
Sau khi đến Baikonur, Tổng bí thư tương lai khi đó tuyên bố rằng ông sẽ không trừng phạt bất cứ ai, bởi vì những người có tội đều đã chết. Khi Khrushev hỏi cách trừng phạt tướng Yangel, Tổng công trình sư Sergei Korolev đã khuyên không nên làm điều này vì thiết bị mới có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Những người phạm tội chính thức của vụ việc khi đó đã không bị nêu tên, kể cả sau này cũng vậy. Được biết rằng, dường như khi ra lệnh cho việc tái khởi động vào ngày hôm sau, Nedelin đã nói rằng, đất nước và bản thân Nikita Khrushsev đang chờ đợi cuộc thử nghiệm thành công sớm.
Thật đáng tiếc rằng Yangel, là người hơn ai hết lẽ ra phải hiểu được nguy cơ tiềm ẩn của việc tái khởi động khi không tuân thủ các quy chuẩn an toàn lại không cương quyết cho dừng những thử nghiệm. Một vài ngày sau đó Yangel đã bị nhồi máu cơ tim.
Lẽ dĩ nhiên là lỗi lớn nhất thuộc về một hệ thống đã đòi hỏi có được kết quả nhanh nhất để "tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước". Người đại diện cho hệ thống ở thời điểm đó là Nikita Khrutschev, mặc dù ông ta không trực tiếp ra lệnh tiến hành vụ thử nghiệm gây nổ nguy hiểm này.