Lạnh nhạt với chiến đấu cơ Trung Quốc, Pakistan ve vãn Su-35: Tương lai J-10 sẽ ra sao?

Trịnh Ngọc Tiến |

Mặc dù J-10C đã "thu hút" sự chú ý của Không quân Pakistan, nhưng khó có khả năng Islamabad sẽ "xuống tiền" mua máy bay chiến đấu này, bất chấp sức ép từ Trung Quốc.

Chiến đấu cơ hiện đại, nhiều tính năng, giá rẻ giật mình

Triển lãm Hàng không Dubai 2019, chiến đấu cơ J-10C của Trung Quốc lần đầu tiên được giới thiệu công khai với truyền thông và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Pakistan.

Điều đáng chú ý là nhà sản xuất Thành Đô lần đầu tiết lộ công khai hệ thống điện tử hàng không và cấu hình vũ khí của phiên bản mới nhất trong dòng chiến đấu cơ J-10 do Trung Quốc tự chế tạo. Và theo quảng cáo của nhà sản xuất Trung Quốc, J-10C có khả năng chiến đấu "toàn diện", vượt xa các máy bay chiến đấu tương đương của thế giới.

Thành Đô cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể để khách hàng so sánh, khi nhắc đến cuộc tập trận chung giữa không quân Trung Quốc và không quân Thái Lan mới đây. Trong cuộc tập trận này, không quân Trung Quốc sử dụng máy bay chiến đấu J-10A và không quân Thái Lan sử dụng Gripen C, và khả năng đối đầu của hai loại máy bay này được đánh giá là tương đương.

Tại Triển lãm, J-10C lần đầu cũng được công khai giá bán, với chi phí rẻ "giật mình" chỉ có 40 triệu USD. Mức giá này tương đối rẻ so với các máy bay chiến đấu tương tự trên thế giới.

Làm phép so sánh đơn giản, chúng ta có thể lấy một số loại máy bay chiến đấu một động cơ tương tự như: Chiến đấu cơ F-16V của Mỹ có giá 80 triệu USD, Gripen E của Thụy Điển, cũng sử dụng công nghệ điện tử hàng không tương tự, có mức giá lên đến 55 triệu USD mỗi chiếc. Các máy bay này đều đắt gấp đôi J-10C.

Nhà sản xuất Thành Đô cũng phàn nàn rằng, nhiều mẫu chiến đấu cơ của một số nước chất lượng chỉ tương đương, nhưng có giá cao gấp nhiều lần sản phẩm của Trung Quốc, khiến mọi người cảm thấy khó chấp nhận!

Lý do sâu xa là khách hàng nước ngoài không nhận ra chất lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc, đặc biệt là dòng chiến đấu cơ J-10.

Lạnh nhạt với chiến đấu cơ Trung Quốc, Pakistan ve vãn Su-35: Tương lai J-10 sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Chiến đấu cơ J-10C của Không quân Trung Quốc. Ảnh: Military Watch Magazine.

Theo nhà sản xuất Thành Đô, ưu điểm của J-10C - Chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 (Trung Quốc xếp vào thế hệ 3) đó chính là có khả năng cơ động cao, được trang bị radar mảng pha chủ động và hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, ngoài ra còn được trang bị hàng loạt vũ khí hiện đại, máy bay dễ điều khiển và giá thành khai thác thấp.

Tại sao J-10 không nhận được cái "gật đầu" từ đồng minh Pakistan?

Mặc dù máy bay chiến đấu J-10C đã "thu hút" sự chú ý của Không quân Pakistan, nhưng khó có khả năng Islamabad sẽ "xuống tiền" mua máy bay chiến đấu J-10C.

Lý do Pakistan hiện không muốn mua máy bay chiến đấu J-10C, là vì Không quân Pakistan đã được trang bị hơn 70 máy bay chiến đấu F-16, 150 chiếc JF-17 và 139 chiếc Chengdu J-7 (biến thể của MiG-21). Ngoài ra, Không quân Pakistan có khoảng 180 chiếc Mirage 5 và Mirage III do Pháp sản xuất, hiện đang được sử dụng cho vai trò đánh chặn và tấn công mặt đất.

Tất cả các loại máy bay trên của Không quân Pakistan đều là máy bay hạng nhẹ, sử dụng một động cơ, nên bán kính chiến đấu nhỏ, chỉ có ưu thế trong bảo vệ không phận, vì nhiều lý do, không quân Pakistan chưa có điều kiện trang bị loại chiến đấu cơ hạng trung và hạng nặng 2 động cơ như F-15 hoặc Su-30.

Lạnh nhạt với chiến đấu cơ Trung Quốc, Pakistan ve vãn Su-35: Tương lai J-10 sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Pakistan cần tới các dòng chiến đấu cơ hạng nặng như Su-30MKI của Ấn Độ hơn là J-10C của Trung Quốc. Ảnh: Military Watch Magazine.

Mặc dù, J-10 được giới quân sự Trung Quốc đánh giá cao, hiện đã trang bị tương đối rộng rãi trong Không quân Trung Quốc (khoảng 500 chiếc), nhưng chưa bao giờ được Pakistan "để mắt"; vấn đề này thường được Pakistan giải thích là "không có tiền".

Tuy nhiên, từ hiệu suất chiến đấu của các loại máy bay hạng nhẹ, lãnh đạo Không quân Pakistan dường như đang hướng đến trang bị các loại chiến đấu cơ hạng trung và hạng nặng như Su-30 của Nga hay F/A-18 Hornet của Mỹ hơn là những chiếc J-10 của Trung Quốc.

Cũng tại Triển lãm hàng không Dubai lần này, đại diện của Không quân và các phi công Pakistan đã đứng rất lâu trước mẫu máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất và yêu cầu các nhà sản xuất Nga giới thiệu chi tiết về tính năng kỹ chiến thuật của loại máy bay này.

Ngược lại, J-10C là hàng "quốc bảo" của Trung Quốc, mặc dù lần đầu xuất hiện lần đầu tiên tại một triển lãm hàng không ở nước ngoài, nhưng đã không giành được sự ưu ái của lãnh đạo Không quân Pakistan.

Điều tương tự cũng xuất hiện trong cuộc tập trận chung mang tên Đại bàng VIII giữa lực lượng không quân hai nước diễn ra vào tháng 8 năm nay, lãnh đạo và phi công của Pakistan muốn thăm và trải nghiệm trên máy bay chiến đấu J-11B (bản sao của Su-27) và J-16 (bản sao của Su-33), hơn là những chiếc J-10C, phiên bản mới nhất của dòng máy bay này.

Phi công Pakistan cũng được trải nghiệm khả năng của chiến đấu cơ J-16 và J-11B ở ghế sau (phiên bản giành cho huấn luyện phi công).

Không khó để nhận thấy rằng, đối với Không quân Pakistan, mối quan tâm của họ đối với máy bay chiến đấu hạng nặng hai động cơ lớn hơn nhiều so với loại chiến đấu cơ hạng trung và hạng nhẹ trang bị một động cơ.

Hiện nay, đứng trước mối đe dọa từ lực lượng không quân Ấn Độ được trang bị các loại máy bay chiến đấu hạng trung và hạng nặng thuộc thế hệ 4 như Su-30 MKI của Nga hoặc gần đây là Rafale của Pháp; những loại máy bay này đều có bán kính chiến đấu vượt trội so với lực lượng không quân của Pakistan và hoàn toàn có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Từ cuộc tập trận chung giữa không quân Trung Quốc và Pakistan cho thấy, các loại chiến đấu cơ hạng nặng hai động cơ của Trung Quốc như J-11 hay J-16 đều có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so với chiến đấu cơ hạng nhẹ J-10.

Lý do các loại chiến đấu cơ hai động cơ có lợi thế hơn máy bay chiến đấu một động cơ đó là duy trì hiệu suất bay, trong quá trình bay, càng kéo dài thời gian bay thì tỷ lệ trục trặc kỹ thuật với động cơ càng tăng lên.

Lạnh nhạt với chiến đấu cơ Trung Quốc, Pakistan ve vãn Su-35: Tương lai J-10 sẽ ra sao? - Ảnh 4.

Một phi đội F-16 của Không quân Pakistan. Ảnh: The National.

Cuộc chiến càng dài, thì việc suy giảm hiệu suất của động cơ của máy bay chiến đấu một động cơ càng rõ ràng. Đây cũng là lý do tại sao Liên Xô và nhiều quốc gia khác trước đây đã bỏ hoàn toàn thiết kế loại máy bay chiến đấu một động cơ.

Ở dưới góc độ chiến thuật, máy bay F-16 của không quân Pakistan thuộc loại chiến đấu cơ thế hệ 4, nhưng đây là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ, tính năng kỹ chiến thuật hoàn toàn không thể sánh được với máy bay chiến đấu hạng nặng như Su-30 MKI hoặc Rafale của đại kình địch Ấn Độ.

Hiện nay, lực lượng không quân của Pakistan được trang bị với số lượng lớn F-16 và FC-1, hai loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ này chỉ có tính chất phòng thủ, chiếm ưu thế trên không trong lãnh thổ Pakistan, chứ không thể thực hiện đột phá sâu vào lãnh thổ của đối phương như lực lượng Không quân Ấn Độ.

Vì vậy, từ các tướng lĩnh đến phi công của Pakistan, đều quan tâm và muốn sở hữu các loại chiến đấu cơ hạng nặng.

Từ quan điểm này, Pakistan có thể cố gắng thay đổi chiến lược phát triển không quân dài hạn và cố gắng thiết lập một lực lượng "không quân tấn công" tầm xa, tương tự như quân đội Mỹ, và điều đó cũng là dễ hiểu khi đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc lại thờ ơ với quốc bảo J-10.

Trên thực tế, tiêm kích J-10 cũng chỉ là bản sao của phiên bản tiêm kích Lavi của Israel, về tính năng kỹ chiến thuật kém xa loại F-16 của Mỹ; trong khi đó, F-16 là lực lượng nòng cốt của không quân Pakistan, các phi công của họ cũng đều được Mỹ đào tạo.

Tương lai nào cho J-10?

Mặc dù máy bay chiến đấu J-10C "rất tiên tiến", nhưng đối với Không quân Pakistan, số lượng máy bay chiến đấu một động cơ, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, Mỹ đã đồng ý nâng cấp máy bay chiến đấu F16 cho Không quân Pakistan; và như vậy cánh cửa mua J-10 đã đóng sập.

Và bây giờ khi mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan tương đối căng thẳng, và đích ngắm đến của Pakistan là loại máy bay hai động cơ hạng trung và hạng nặng; rất có thể, vì đồng minh thân thiết, Trung Quốc sẽ bán J-11B, bản sao Su-27 của Nga.

Hoặc trong xu thế "tàng hình" hóa, các nhà nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc gợi ý, Trung Quốc nên phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình giá rẻ với tính tàng hình cao và tính cơ động cao.

Đây cũng là xu thế chính của thị trường máy bay chiến đấu thế giới trong 20 năm tới; và triển vọng xuất khẩu của J-10CE của Thành Đô là không lạc quan, kể cả với đồng minh thân cận như Pakistan.

Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga mang đầy bom tham chiến ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại