Ông Trump khẳng định sẽ theo dõi sát sao các cuộc biểu tình và "được truyền cảm hứng" nhờ sự dũng cảm của người dân Iran, sau khi hàng trăm người tại Tehran đòi Lãnh tụ tối cao - Đại giáo chủ Ali Khamenei từ chức cuối ngày 11-1.
Ông Trump viết trên Twitter: "Gửi đến những người dân khổ sở và quả cảm của Iran: Tôi đứng về phía các bạn kể từ khởi điểm nhiệm kỳ tổng thống của mình. Chính phủ của tôi sẽ tiếp tục đứng về phía các bạn". Jerusalem Post cho biết Tổng thống Trump đăng tải lại nội dung trên bằng tiếng Farsi, ngôn ngữ người Iran sử dụng.
Phản ứng của ông Trump tiếp nối việc báo chí gia tăng sức ép và hàng trăm người biểu tình khắp Iran sau khi chính phủ Tehran thừa nhận bắn nhầm chiếc Boeing 737-800 của Hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) hôm 8-1, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng. Trước đó, Iran bác bỏ các cáo buộc về việc bắn hạ chiếc máy bay này.
Cũng trong ngày 11-1, hãng tin Tasmin đưa tin Đại sứ Anh tại Tehran Rob Macaire bị bắt ở phía trước Trường Đại học Amir Kabir vì kích động người biểu tình chống chính phủ. Reuters miêu tả cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay vào người biểu tình quá khích và tăng cường sự hiện diện khắp Tehran trong sáng 12-1.
Các cuộc biểu tình vừa nêu bồi thêm căng thẳng giữa Iran và Mỹ. Trước đó, Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp đặt lại các lệnh trừng phạt làm suy kiệt nền kinh tế Tehran.
Cả bà A.Merkel lẫn ông V.Putin đều mong muốn ngăn chặn sự leo thang xung đột ở Trung Đông Ảnh: REUTERS.
Giữa lúc nguy cơ xung đột ở Trung Đông vẫn tiềm ẩn, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 11-1 hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow. Về tình hình Iran, cả hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đều cho rằng cần duy trì Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tổng thống Putin hy vọng sẽ không xuất hiện các hoạt động quân sự lớn ở khu vực này, nếu không tình hình sẽ trở thành một thảm họa đối với cả thế giới. Theo ông chủ Điện Kremlin, việc này dẫn tới một luồng người tị nạn quy mô lớn, không chỉ đối với châu Âu, mà còn đối với cả các khu vực khác.
"Đó sẽ là một thảm họa nhân đạo, một thảm họa liên tôn giáo, một thảm họa kinh tế. Bởi nó sẽ dẫn tới việc phá hủy hoặc gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế thế giới và năng lượng thế giới" - ông Putin khẳng định.
Đài truyền hình nhà nước Đức Deutsche Welle dẫn lời giới phân tích Nga rằng sau những động thái của Mỹ, cả ông Putin lẫn bà Merkel hiện chia sẻ mục tiêu ngăn chặn sự leo thang hơn nữa ở Trung Đông. Chuyên gia về Trung Đông Andrei Ontikov cho biết Nga không muốn Trung Đông đẫm máu nên sẽ phối hợp với Đức và phần còn lại của châu Âu để hành động.