Thời gian gần đây, các bác sĩ đã ghi nhận ca bệnh Whitmore (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) tại nhiều địa phương, riêng tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phát hiện các ca bệnh này.
Dễ bỏ sót bệnh Whitmore
Ngày 13-8, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết đang tiếp nhận điều trị cho 4 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.
Các bệnh nhân này đều ở độ tuổi trung niên, biểu hiện lâm sàng đa dạng, nhiều cơ quan bị tổn thương làm suy yếu hệ miễn dịch. Trong số này có 2 ca nặng là bệnh nhân 62 và 67 tuổi, đều có bệnh nền đái tháo đường hoặc bệnh đa u tủy xương kèm tăng huyết áp, phải điều trị hồi sức tích cực do biến chứng viêm màng não, viêm phổi. Hiện chưa rõ các bệnh nhân mắc bệnh trong hoàn cảnh nào.
Bác sĩ Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết phương pháp chẩn đoán bệnh Whitmore vẫn là dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, mủ tại phần da bị tổn thương. Thời kỳ ủ bệnh đối với căn bệnh này từ 1 đến 21 ngày, có thể kéo dài và khó chẩn đoán, bệnh nhân khi đến bệnh viện đã tổn thương rất nhiều bộ phận.
Việc điều trị bệnh Whitmore trên từng trường hợp bệnh nhân sẽ có phương pháp, phác đồ điều trị thời gian khác song đây là bệnh có thời gian điều trị kéo dài, nên cần sự tuân thủ điều trị và bệnh nhân phải tái khám thường xuyên.
Theo các bác sĩ, có những trường hợp nhiễm vi khuẩn Whitmore khi qua nhiều bệnh viện mới phát hiện ra bệnh. Đơn cử như người đàn ông 60 tuổi (ở tỉnh Hải Dương) đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau khi ho nhiều, sốt rét đến 40 độ C kèm đau vùng thắt lưng.
Trước khi đến đây, bệnh nhân này đã tới 2 cơ sở y tế khám và điều trị nhưng không đỡ, không tìm được căn nguyên sốt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện khớp vai có viêm và áp xe cơ dưới vai, viêm xương, viêm mủ khớp vai phải. Cấy máu cho ra kết quả mắc vi khuẩn Whitmore.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết Whitmore là một bệnh khó chẩn đoán, biểu hiện lâm sàng đa dạng, không điển hình nên dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác. Bệnh có thể diễn biến cấp tính, nhiễm trùng máu nặng, nguy kịch, tử vong, hoặc có thể gặp nhiễm trùng mạn tính, nhiễm trùng ẩn, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Bệnh này gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng, lây qua vết thương lở loét, vì thế còn được gọi tên là vi khuẩn ăn thịt người.
Lo tỉ lệ bao phủ vắc-xin sởi
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), từ đầu năm đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại TP HCM là 597 ca, trong đó dương tính với sởi là 346 ca (153 trẻ ngụ tại TP HCM và 193 trẻ ngụ tại các địa phương khác) và 3 trẻ tử vong. Trong khi đó, từ năm 2021 - 2023 toàn TP HCM chỉ ghi nhận 1 ca bệnh loại này.
Bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Do gián đoạn tiêm chủng trong và sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 trên địa bàn mới đạt 89,2% và chưa có quận, huyện nào đạt trên 95% (tỉ lệ bao phủ vắc-xin sởi giúp phòng ngừa dịch sởi bùng phát). Đồng thời, tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến 2022 cũng chưa đạt 95%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cần duy trì tỉ lệ bao phủ vắc-xin trên 95%. Tuy nhiên, tại TP HCM, tỉ lệ bao phủ vắc-xin phòng sởi hiện nay vẫn chưa đáp ứng để tạo miễn dịch cộng đồng phòng dịch sởi bùng phát.
Để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh sởi, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đã yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng như: tiêm vét, tiêm bù cho trẻ; tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế, thân nhân chăm sóc bệnh của 3 bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Bên cạnh đó, phải bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi nhóm này nếu mắc sởi dễ dẫn đến tử vong.
"Thành phố sẽ mở chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi cho khoảng 517.250 trẻ tại trường học, trạm y tế, bệnh viện, chiến dịch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9-2024" - lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết.
Đáng chú ý, BS Tăng Chí Thượng còn giao Thanh tra Sở Y tế TP HCM và tổ công tác đặc biệt chủ động phát hiện những cá nhân "anti vắc-xin" (chống vắc-xin) để làm rõ và xử lý nghiêm những tuyên truyền sai lệch trong cộng đồng.
Trong khi đó, một số nhóm trên mạng xã hội xuất hiện dịch vụ làm giả sổ tiêm chủng mở rộng. Hầu hết dưới các bài đăng này đều chia sẻ thông tin không nên cho con tiêm phòng. Một số tài khoản còn nhận cập nhật mũi tiêm chủng mở rộng cho bé nhập học, du học, không cần tiêm, làm xong thanh toán...
Bộ Y tế cho biết dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam đã ghi nhận rải rác các ca mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.
Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn nhằm bảo đảm việc cung ứng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, yêu cầu tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng chống dịch.
Với các bệnh được dự phòng bằng vắc-xin (sởi, ho gà, bạch hầu...), đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ... Liên quan đến dịch bạch hầu và kiến nghị Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa bổ sung 25.000 liều vắc-xin bệnh bạch hầu, Bộ Y tế cho biết ngành y tế bảo đảm đủ vắc-xin và thuốc để tiêm cho đối tượng nguy cơ, nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như đề xuất.