Vậy làm sao phòng tránh và cần lưu ý gì khi tập luyện, trao đổi với Báo Người Lao Động, chiều 21-10 ThS-BS Nguyễn Tiến Lộc, Khoa Chấn thương Chỉnh hình-Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết những người có tiền sử bệnh như rối loạn mỡ máu, béo phì hoặc từng bị đột quỵ có nguy cơ cao hơn khi tập thể thao.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này như chế độ ăn uống không lành mạnh (ăn nội tạng động vật, nhiều dầu mỡ), thói quen sinh hoạt thiếu khoa học…
Theo BS Lộc, có 2 nguyên nhân chính gây đột quỵ ở những người chơi thể thao cường độ cao gồm mảng xơ vữa trong lòng mạch và rối loạn điện giải. "Mảng xơ vữa có thể đóng ở các động mạch khi bị rối loạn lipid máu. Vì vậy, khi tập thể dục cường độ cao, mạch máu hoạt động nhanh hơn, có thể làm bong tróc mảng xơ vữa. Lúc này, mảng xơ vữa sẽ di chuyển trong lòng mạch. Nếu dừng lại ở đâu sẽ gây tắc nghẽn ở đó, có thể là tim, não… gây nên đột quỵ" - BS Lộc nói.
Đối với nguyên nhân rối loạn điện giải, khi tập luyện cường độ cao dẫn đến đổ mồ hôi nhiều, mất nước. Lúc này cần bổ sung nước điện giải, không nên uống nước lọc vì có thể gây phù các cơ quan, dẫn đến tình trạng nguy hiểm. "Thực tế, đã có nhiều trường hợp bị ngất xỉu, đột quỵ khi tham gia các giải chạy vì lý do rối loạn điện giải. Vì vậy, cần trang bị kiến thức khi tham gia để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân" - BS Lộc nhấn mạnh.
BS Lộc khuyến cáo khi tập luyện, cần đặt mục tiêu hợp lý, bắt đầu từ từ và tăng dần cường độ. Việc này giúp cơ thể có thời gian thích nghi với điều kiện và cường độ tập luyện, đảm bảo an toàn trong quá trình tập thể dục. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng, đặc biệt là xét nghiệm máu để kiểm tra mỡ máu. Nếu chỉ số mỡ máu cao, nên hạn chế tập luyện cường độ cao vì điều này có thể làm tăng nguy cơ bong tróc mảng mảng xơ vữa.