Vì sao Nga lại đặc biệt mặn nồng với Myanmar vào lúc này?
Trước tiên, Myanmar là khách hàng lớn chuyên mua vũ khí khí tài của Nga. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Nga còn muốn khôi phục lại ảnh hưởng từng có thời Liên Xô với Myanmar nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Nga vẫn đang tiến hành dự án địa chính trị này.
Bên cạnh đó, Nga muốn có thêm bạn đáng tin cậy trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây công kích tứ bề. Đến như Trung Quốc – đồng minh cũ của Myanmar, cũng không sẵn lòng dành cho Myanmar nhiều sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao tương tự như Nga đối với Myanmar.
Về phần mình, trong bối cảnh bị phương Tây chỉ trích sau cuộc đảo chính, Myanmar rất cần có thêm đối tác và sự công nhận từ nước ngoài, và Nga là một ứng cử viên hàng đầu đáp ứng nhu cầu đó của Myanmar.
Khác biệt giữa Nga và Trung Quốc trong phủ quyết lệnh trừng phạt đối với Myanmar
Cả Nga và Trung Quốc đều chặn nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc muốn áp lệnh trừng phạt lên chính quyền quân sự Myanmar.
Nga và Trung Quốc làm vậy là vì cả hai nước đều phản đối sự can thiệp tư tưởng của phương Tây vào châu Á, đồng thời họ cũng đều muốn làm suy yếu sự ảnh hưởng mà phương Tây đã thu được trong thời kỳ Myanmar mở cửa với phương Tây từ năm 2011-2021.
Nhưng vẫn có những sự khác biệt ở đây. Nga đặt tất cả trứng vào một giỏ, đó là quân đội chính quy Myanmar. Trong khi đó, Trung Quốc duy trì quan hệ thân thiện với cả các tổ chức vũ trang dân tộc chống đối quân đội và chính phủ quân sự Myanmar. Trung Quốc đặc biệt có quan hệ tốt với “Đội quân Bang Wa Thống nhất” (UWSA) – nhóm này được trang bị các vũ khí Trung Quốc hiện đại, bao gồm tên lửa đất đối không, pháo, và thậm chí cả xe thiết giáp chở quân.
Trung Quốc áp dụng chính sách cây gậy và củ cà rốt ở đây. Cà rốt chính là thương mại và sự hậu thuẫn tại Liên Hợp Quốc cho Myanmar. Còn cái gậy là UWSA và các đồng minh nổi dậy vũ trang của tổ chức này. Nếu Trung Quốc không thu được điều họ muốn, UWSA sẽ được nhận thêm vũ khí – đây là một sự răn đe rằng tấn công vào UWSA sẽ phải trả giá đắt.
Nhưng cùng vì lý do trên, các tướng lĩnh Myanmar luôn dè chừng Trung Quốc và nghi ngờ động cơ của Trung Quốc, được cho là vượt qua mối quan hệ song phương thân thiện. Myanmar hiện là nước láng giềng duy nhất của Trung Quốc mang đến cho Trung Quốc sự tiếp cận trực tiếp với Vịnh Bengal để tránh phải đi qua eo biển Malacca hay tắc nghẽn.
Do vậy, Trung Quốc được cho là đang tham gia trò chơi quyền lực ở Myanmar thông qua mối quan hệ giữa họ với UWSA và các đồng minh của tổ chức này trong khi vẫn bồi dưỡng các cá nhân trong quân đội, chính trường, và truyền thông Myanmar – những người có khả năng được huy động để tăng cường lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở Myanmar.
Trái lại, Nga đang là đồng minh tương đối thuần khiết của Myanmar, nghĩa là Myanmar không thấy vấn đề nào phát sinh từ phía Nga.
Ảnh hưởng của Nga ở Myanmar sẽ tác động ra sao đến cân bằng quyền lực khu vực?
Dòng chảy vũ khí Nga và Trung Quốc vào Myanmar đã giúp quân đội Myanmar trở thành một trong các lực lượng đông đảo và được trang bị tốt nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, quân đội Myanmar cũng có nhiều kinh nghiệm thực chiến.
Myanmar hiện nay được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự, gần như không có yếu tố dân sự trong đó. Không có đất nước nào trong khu vực, kể cả Thái Lan, mà tại đó quân đội lại có vị thế mạnh trong việc quản trị và ra chính sách như ở Myanmar. Bất cứ ai ở bên ngoài mà muốn giao dịch với Myanmar thì trước tiên phải giao dịch với giới tướng lĩnh nước này trước.
Liên minh Myanmar-Nga có thể không thay đổi được cán cân quyền lực tổng thể trong khu vực nhưng chắc chắn sẽ mang lại cho Nga một thế đứng chiến lược mới ở châu Á.
Nhưng vẫn có những trở ngại nhất định trong quan hệ giữa 2 nước. Về mặt văn hóa và mặt xã hội, Myanmar và Nga khác nhau nhiều, do đó tương tác giữa hai bên sẽ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Mối quan hệ đó cần thêm thời gian để thử thách.
Nhưng nhìn chung cho tới nay, Myanmar không có mấy đối tác hùng mạnh, còn Nga thì đang có những hoạt động ngoại giao hiệu quả./.