Bất ngờ về sự hỗ trợ to lớn của Nga dành cho chính quyền quân sự Myanmar

Trung Hiếu |

Thời gian qua, Nga đã có những hỗ trợ dành cho chính quyền quân sự Myanmar cả về vũ khí và đào tạo quân sự. Nga có lẽ là cường quốc toàn cầu công khai nhất về sự ủng hộ của họ dành cho chính quyền Myanmar được thiết lập sau cuộc đảo chính 1/2.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (phải) được tôn vinh tại một trường đại học quân sự Nga ở Moscow vào tháng 6/2021. Ảnh: New Light of Myanmar.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (phải) được tôn vinh tại một trường đại học quân sự Nga ở Moscow vào tháng 6/2021. Ảnh: New Light of Myanmar.

Bằng chứng mới nhất về mối quan hệ thân thiết Nga-Myanmar

Loạt bức ảnh về một sĩ quan Nga đứng cạnh một nam giới châu Á trong bộ đồ tốt nghiệp đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Myanmar vào cuối tháng 6/2021. Người châu Á trong các bức ảnh này không ai khác là tổng tư lệnh quân đội Myanmar – tướng Min Aung Hlaing. Viên tướng này được trao danh hiệu giáo sư danh dự tại Đại học Quân sự của các Lực lượng Vũ trang Nga trong chuyến thăm Moscow trong các ngày 22-24/6.

Nga đã tỏ rõ là cường quốc toàn cầu ủng hộ công khai nhất cho chính quyền quân sự được thiết lập ở Nga sau cuộc đảo chính vào ngày 1/2/2021.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu khi tiếp vị tướng Myanmar vào ngày 22/6: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục các nỗ lực củng cố quan hệ song phương dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau đã được thiết lập giữa 2 nước chúng ta”.

Ông Shoigu nói thêm: “Chúng tôi đặc biệt chú ý tới cuộc gặp này vì chúng tôi coi Myanmar như một đối tác chiến lược đã vượt qua thử thách của thời gian và là một đồng minh tin cậy ở Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Về phần mình, Tướng Min Aung Hlaing ca ngợi Nga là một “người bạn vĩnh viễn”, theo các tin tức trên báo chí Nga.

Lĩnh vực hợp tác quốc phòng

Trong lúc phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt và cấm vận vũ khí để trừng phạt cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar vào đầu năm nay, Nga lại nằm trong các nước chính cung cấp vũ khí khí tài cho quân đội Myanmar.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Myanmar đã mua 1,5 tỷ USD vũ khí khí tài của Nga trong giai đoạn từ năm 1999-2018, chiếm tới 39% tổng vũ khí nhập khẩu của Myanmar trong thời kỳ này.

Thiết bị quân sự do Nga sản xuất - bao gồm trực thăng tấn công Hind Mi-35, trực thăng vận tải, tiêm kích cơ MiG-29, và máy bay cường kích Yak-130, hiện đang được quân đội Myanmar sử dụng để không kích và tấn công các nhóm phiến quân dân tộc ở khu vực biên giới.

Nhiều thành viên phe biểu tình Myanmar phản đối đảo chính đã rời bỏ đô thị để lui về ẩn náu ở khu vực dân tộc thiểu số vùng biên.

Đối với quân đội Myanmar (còn gọi là Tatmadaw), các thỏa thuận vũ khí với Nga nằm trong một chính sách rộng lớn hơn hướng tới việc giảm sự phụ thuộc trong thời gian dài vào vũ khí Trung Quốc. Hồi năm 2006, công ty máy bay MiG thuộc sở hữu nhà nước của Nga (bây giờ tái cơ cấu thành Công ty United Aircraft) đã mở một văn phòng ở Yangon để hỗ trợ các thỏa thuận về mua bán vũ khí giữa 2 nước.

Theo một báo cáo của hãng tin Reuters vào ngày 23/6, cùng với các hợp đồng mua sắm nói trên của Myanmar, Nga trong các năm gần đây đã cung cấp huấn luyện quân sự và học bổng đại học cho hàng ngàn quân nhân Myanmar.

Nga hướng tới mục tiêu lớn hơn ngoài việc mua bán vũ khí

Nhưng theo giới quan sát, động cơ cho Moscow phát triển quan hệ thân thiện với quân đội Myanmar có lẽ không dừng lại ở chuyện thu lợi từ bán vũ khí và cung cấp khóa học quân sự.

Học giả Hunter Marston từ Australia cho hay, điều này phù hợp với chính sách địa chính trị của Tổng thống Nga Putin ứng phó với các nỗ lực của phương Tây can thiệp vào các cuộc khủng hoảng chính trị trên thế giới.

Đây còn là tham vọng của Nga muốn giành lại thế đứng chiến lược ở khu vực.

Liên Xô từng là một cường quốc hàng đầu có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Nhưng khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và nước Nga kế tục Liên Xô đã rơi vào 8 năm hỗn loạn dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin thì ảnh hưởng của Moscow tại Đông Nam Á nhanh chóng “bốc hơi”.

Nhưng chính quyền của Tổng thống Putin đã từng bước gây dựng lại mối quan hệ xưa, chủ yếu thông qua các thỏa thuận về vũ khí. Và cuộc chính biến tại Myanmar vào ngày 1/2/2021 là một cơ hội mới để Nga thay thế ảnh hưởng của phương Tây ở Myanmar.

Chuyến thăm của tướng Min Aung Hlaing tới Moscow không phải là lần đầu tiên. Vào tháng 6/2013, ông đã tới Nga theo lời mời của ông Shoigu để thảo luận các thỏa thuận vũ khí và “những vấn đề hai bên cùng quan tâm”.

Trong một chuyến thăm khác vào năm 2016, Nga và Myanmar ký một thỏa thuận hợp tác quân sự dọn đường cho “hợp tác đa diện” với “đủ các công cụ để làm mọi thứ có thể nhằm củng cố mức độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Myanmar và Nga”.

Trong một cuộc gặp giữa Shoigu and Min Aung Hlaing vào cùng năm đó, vị chỉ huy quân sự Nga nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của thỏa thuận này khi nói rằng “chúng tôi đặc biệt chú ý đến các chuyến thăm của tàu chiến Nga tới các hải cảng Myanmar, và chúng tôi mong đón các chuyến thăm Nga của tàu chiến Myanmar”.

Quan hệ đặc biệt Nga-Myanmar ngay cả giai đoạn Myanmar có vẻ thân phương Tây

Các chuyến thăm và thỏa thuận nói trên đã đảo ngược một thời kỳ ngắn quan hệ hai bên đi xuống bắt đầu từ năm 2010 khi chính quyền của cựu tướng Thein Sein tuyên bố sẽ không gửi nhân sự sang Nga đào tạo. Tuyên bố của chính quyền Thein Sein khi ấy là một phần trong chính sách mở cửa với phương Tây. Sau đó Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử tới Myanmar vào năm 2012.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhân viên quân sự Myanmar vẫn hiện diện tại một số trường quân sự và cơ sở đào tạo của Nga.

Các lớp tiếng Nga cũng đã được mở tại Đại học Ngoại ngữ Yangon. Vào năm 2014, Myanmar quyết định mở một trung tâm văn hóa Nga ở cố đô Yangon.

Sự có mặt của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Vasilyevich Fomin trong bộ quân phục Nga tại lễ kỷ niệm Ngày Quân đội Myanmar ở thủ đô Naypyitaw vào ngày 27/3/2021 đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về quan hệ chặt chẽ giữa 2 nước.

Và đúng một ngày trước cuộc đảo chính 1/2, một nhóm sĩ quan Nga và Myanmar đã tổ chức tiệc ở Yangon, ăn mừng việc khai trương một khu phức hợp đa phương tiện công nghệ cao quân sự chung.

Nga đang trở lại Đông Nam Á một cách mạnh mẽ và Myanmar là cửa ngõ chiến lược cho Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại