Nga phòng bị Thổ Nhĩ Kỳ chơi bài nước đôi
Tại Idlib, nơi chứng kiến cả sự hợp tác và cạnh tranh giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã lần đầu tiên đối mặt với phép thử khi quân đội Syria và đồng minh hôm 20/8 giành quyền kiểm soát Khan Sheikhoun – một thị trấn trọng yếu do phe nổi dậy chiếm giữ, ngay sau khi họ nối lại chiến dịch tấn công tỉnh Idlib.
Trước đó, lực lượng Syria với sự hỗ trợ của Nga và Iran đã tái chiếm thị trấn Morek, nơi đặt một trong số 12 trạm quan sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức cảnh báo Syria “không nên đùa với lửa”, đồng thời tuyên bố sẽ không từ bỏ bất cứ trạm quan sát nào.
Việc giành lại các khu vực Khan Sheikhoun và Morek của quân đội Syria đã đánh dấu thất bại lớn của phiến quân và đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế khó khăn.
Người dân Syria đổ ra đường chúc mừng chiến thắng ở tây bắc Syria (Nguồn SANA)
Giới phân tích cho rằng, đây là hành động nhằm phản ứng với thỏa thuận thiết lập vùng an toàn ở phía đông sông Euphrates của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ – động thái nhiều khả năng sẽ thay đổi trạng thái cân bằng ở Syria.
Thỏa thuận được công bố vào ngày 7/8 khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc cuộc đàm phán tại Ankara, đã khiến Nga lo ngại.
Phía Nga cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang chơi bài nước đôi khi bắt tay với Mỹ trong lúc tìm cách duy trì quan hệ hợp tác chiến lược với Moscow thông qua tiến trình đàm phán hòa bình Syria tại Astana và thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400.
Vùng an toàn ở phía đông sông Euphrates không chỉ ngăn chặn người Kurd mà còn ngăn cản cả quân đội Syria trở lại khu vực này.
Khi quan hệ liên minh Mỹ-Thổ hồi sinh, sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại những khu vực mà Ankara chiếm đóng trong quá trình thực hiện các chiến dịch Lá chắn Euphrates và Nhành Olive kết hợp với các trạm quan sát đặt tại Idlib có thể vượt quá những toan tính của Nga. Khả năng đó đã khiến Moscow buộc phải hành động cứng rắn.
Cần phải nhắc lại rằng, sự hợp tác 3 bên giữa Nga, Thổ Nhỹ Kỳ và Iran trong tiến trình đàm phán Astana đã phát huy hiệu quả khi giúp phá vỡ nhiều mặt trận của các nhóm khủng bố và phiến quân tại Syria, như những gì diễn ra ở phía đông Aleppo năm 2016.
Với Nga, thỏa thuận Sochi đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9/2018, trong đó có việc thiết lập một khu phi quân sự giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy tại tỉnh Idlib, là sự mở đường cho một giải pháp tháo gỡ khủng hoảng tại Idlib, viết lại kịch bản từng diễn ra ở đông Ghouta, Daraa và Quneitra (thuộc Syria).
Phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại Tây Bắc Syria
Theo thỏa thuận, Ankara chịu trách nhiệm giám sát các nhóm cực đoan trong khu vực, đặc biệt là phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) liên hệ với Al-Qaeda, ngăn chặn cuộc tấn công của các nhóm này trên lãnh thổ Syria, trong đó có các mục tiêu quân sự của Nga tại Syria.
Song, bất chấp các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với Tổng thống Putin, một khu vực giảm căng thẳng vẫn chưa được thiết lập, hơn nữa, sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đang ngăn trở các hoạt động của quân chính phủ Syria.
Nga và Syria muốn chính phủ của Tổng thống Assad kiểm soát hoàn toàn khu vực Idlib, còn Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh tấn công quân sự vào Idlib song nước này lại thiếu khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến nhóm phiến quân HTS.
Do vậy, các động thái quân sự của Moscow và Damacus gần đây là cách tốt nhất để hối thúc Ankara và phe nổi dậy đưa ra nhượng bộ. Thời gian qua, quân đội Syria đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Idlib để đòi lại lãnh thổ quan trọng này.
Tờ Gulf News nhận định, chưa bao giờ, khả năng một sự biến cố quân sự giữa Damascus và Ankara lại dễ xảy ra và nguy hiểm như vậy.
Để gỡ rối tình hình, Nga hoặc là sẽ phải dũng cảm chấm dứt tiến trình Astana hoặc thay đổi tình hình trên thực địa. Việc hỗ trợ quân đội Syria tấn công Khan Sheikhoun cho thấy Moscow lựa chọn giải pháp thứ hai.
Nói cách khác, Nga đang cố gắng buộc Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước và chấp nhận một trạng thái mới mà không từ bỏ tiến trình Astana.
Binh sĩ Syria đốt cờ phiến quân tại khu vực Idlib-Hama ngày 25/8
Thổ Nhĩ Kỳ nghi Nga quay lưng
Theo giới phân tích, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang bước vào một giai đoạn mới đầy nguy hiểm, không chỉ bởi chiến dịch giải phóng Idlib mà còn sau vụ việc quân đội chính phủ Syria không kích đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/8 tại khu vực này với cáo buộc đoàn xe đang vận chuyển vũ khí và đạn dược cho “các thế lực khủng bố”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức tuyên bố vụ tấn công đã vi phạm thỏa thuận mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đạt được nhằm hướng đến việc giảm xung đột tại Syria, đồng thời cho biết lịch trình di chuyển của đoàn xe đã được thông báo trước cho Moscow.
“Đáng chú ý tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ được diễn đạt theo cách đổ trách nhiệm cho phía Nga”, nhà bình luận chính trị Sedat Ergin viết trên tờ Hurriyet.
Nguyên nhân Thổ Nhĩ Kỳ không trực diện cáo buộc Nga là bởi những ràng buộc liên quan đến thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ S-400.
Theo giới quan sát, Nga có lẽ đã biết trước cuộc tấn công vào đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ song vẫn “nhắm mắt làm ngơ”.
Moscow dường như muốn gửi đi thông điệp rằng họ còn có những ưu tiên khác ở Syria và bảo vệ sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria không phải là một trong số đó.
Bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến cuộc tấn công ở Idlib, Nga khẳng định các động thái quân sự sẽ tiếp tục.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 20/8, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh: “Các cuộc tấn công trong năm nay sẽ không dừng lại bất chấp sự hiện diện của các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Lavrov cho rằng thỏa thuận ở Sochi với Thổ Nhĩ Kỳ không cấm chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố, ám chỉ phiến quân HTS sẽ vẫn luôn là mục tiêu tấn công hàng đầu.
Theo cây bút Semih Idiz của tờ Al-monitor, một "cuộc chiến ngầm" đang nảy sinh giữa Nga và Thổ Nhì Kỳ tại Idlib, dù bên ngoài hai bên đang chứng tỏ nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
Nhiều nhà quan sát đánh giá, căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn liên tục nảy sinh kể từ sau khi ký kết thỏa thuận Sochi là vì hai bên chưa bao giờ ở cùng một chiến tuyến.
Ankara luôn than phiền về việc Moscow từ chối ngăn chặn các cuộc tấn công của quân chính phủ Syria, ngược lại, Moscow cáo buộc Ankara không thực hiện cam kết kiềm chế phiến quân HTS theo thỏa thuận.
Bên cạnh đó, quan điểm cứng rắn của Nga về kế hoạch thành lập vùng an toàn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ cùng việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa thực hiện chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria cũng “gây khó chịu” cho Ankara.
Nếu tình hình không được kiểm soát và các vụ tấn công vào đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục diễn ra thì đổ vỡ trong quan hệ giữa Moscow và Ankara khó có thể khôi phục lại.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau vào ngày 7/9 tới tại Ankara trong nỗ lực cứu vãn tiến trình Astana, nhưng tất cả các dấu hiệu cho thấy sẽ khó có sự hàn gắn nào diễn ra khi xét đến mối liên hệ lỏng lẻo giữa các bên và những gì đang diễn ra trên thực địa.
Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kêu gọi Mỹ và Nga cùng giải quyết vấn đề của chính mình hoặc khiến cả hai chống lại nhau ở Syria đã thất bại. Trong khi đó, Nga đã chỉ ra những quy định mới của luật chơi.
Còn quân chính phủ Syria chắc chắn không chỉ dừng lại ở Khan Sheikhoun mà sẽ thực hiện những bước tiến xa hơn, nhằm giải phóng toàn bộ Idlib.
Không kích của Nga và Syria vào thị trấn Kafr Nabl (Kafranbel) sáng 26/8