Nga "ưu ái" S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ "đáp lễ" bằng THAAD gửi đến Saudi Arabia?

Quốc Vinh |

Khi S-400 làm tan vỡ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ có thể quyết định rằng Saudi Arabia mới là đồng minh chắc chắn nhất của mình ở Trung Đông.

Mỹ đang cố gắng ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Nga bằng cách ngừng giao F-35 cho Ankara.

Gần như đồng thời, có thông tin rằng Lockheed Martin Corp đã được trao một hợp đồng từ Lầu Năm Góc trị giá 2,4 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một số trong đó là để bán cho Saudi Arabia.

Trước đó, vào tháng 11/2018, Washington và Riyadh đã ký một thỏa thuận dự kiến mua 44 bệ phóng và tên lửa THAAD. Điều này đã đặt ra câu hỏi về việc đây có phải là nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế Ankara, khi ai cũng biết rằng Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ vốn được coi là đối thủ?

Điều gì đằng sau quyết định đình chỉ thỏa thuận F-35?

Theo nhà phân tích chính trị người Anh, Oliver Steward, quyết định của Washington trong việc ngừng chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ bất kể những đóng góp lớn của quốc gia này trong việc phát triển dự án là điều khá dễ hiểu.

"Có hai lý do cho việc này", Steward nói với Sputnik. "Điều đầu tiên thực sự là công nghệ, nỗi sợ của Mỹ là công nghệ F-35 có thể rơi vào tay kẻ xấu. Thứ hai, nếu không thể đảm bảo liên minh của Ankara với Mỹ tồn tại lâu dài, thì đó sẽ không phải là chiến lược thận trọng để Mỹ cung cấp công nghệ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ".

Trong khi đó, Daniel Darling, một nhà phân tích thị trường quân sự tại Forecast International Inc., tin rằng Mỹ có thể sử dụng các biện pháp khác ngoài việc chặn mua F-35, bao gồm dựa trên Đạo luật chống đối thủ dựa trên trừng phạt (CAATSA).

Darling dự đoán, "dù Thổ Nhĩ Kỳ có từ bỏ thỏa thuận S-400 hay không, nước này sẽ tiếp tục tập trung vào việc thúc đẩy năng lực công nghiệp quốc phòng theo con đường riêng".

Đồng thời, ông cũng cho rằng "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hoàn toàn quay lưng với Mỹ và châu Âu chỉ để đến với nguồn cung cấp vũ khí có lợi như Nga, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc".

Nga có thể chuyển giao Su-57?

Để phá vỡ thế bế tắc của F-35, Moscow có thể cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một phương án khả thi - hoặc là máy bay chiến đấu tối tân Sukhoi Su-35 của Nga hoặc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-57. Hồi tháng 5 năm ngoái, tờ Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, Ankara có thể cân nhắc về việc mua lại các máy bay chiến đấu tàng hình của Nga.

Trong khi có ý kiến cho rằng sẽ rất thuận lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua máy bay của Nga, đặc biệt là vì Nga không áp đặt bất kỳ điều kiện nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà phân tích khác đã đề cập đến những khó khăn nhất định đối với lựa chọn này.

Nga ưu ái S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đáp lễ bằng THAAD gửi đến Saudi Arabia? - Ảnh 1.

Su-57 có thể là cân nhắc mua sắm của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai.

"Không quân Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng dựa trên công nghệ của Mỹ trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là F-16. Từ việc bảo trì phi đội cho đến mua sắm phụ tùng và vật tư được liên kết chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh NATO khác", nhà báo Abdullah Bozkurt giải thích.

Chuyên gia Diliman Abdulkader từ trung tâm Endowment for Middle East Truth, chia sẻ quan điểm tương tự: "Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư quá nhiều vào chương trình F-35 kể từ năm 2002 và về lâu dài, sẽ là khôn ngoan khi Thổ Nhĩ Kỳ ở lại NATO và không làm đảo lộn các đồng minh phương Tây của mình", ông nói.

THAAD cho Saudi Arabia mang ý nghĩa gì?

Theo nhà phân tích Steward, việc đình chỉ giao hàng F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận S-400 và hợp đồng THAAD với Saudi đã được công bố vào cùng một ngày và cùng đáng được chú ý.

Ông cho rằng động thái này cho thấy Washington coi Riyadh là đồng minh chính của mình ở Trung Đông:

"Điều mà Mỹ thực sự ủng hộ là sự lãnh đạo mạnh mẽ của Saudi. Họ không thể bảo đảm được rằng Thổ Nhĩ Kỳ có còn là đồng minh nữa hay không, vì họ tin rằng có sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở Trung Đông. Vì vậy, Mỹ muốn hướng tới Saudi".

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại mang đến một quan điểm khác. "Sự sắp xếp của Mỹ với Saudi Arabia về hợp đồng THAAD không liên quan đến tranh chấp hiện tại giữa Washington và Ankara về việc mua S-400 hay có dính dáng gì đến F-35", chuyên gia Darling nêu quan điểm..

Theo chuyên gia Abdulkader, "việc bán các bệ phóng THAAD cho Saudi không liên quan nhiều đến việc đình chỉ giao hàng F-35 bởi vì dưới thời chính quyền Mỹ hiện tại, Saudi đã có quan hệ đối tác mạnh mẽ với Washington, đối lập với sự thay đổi hướng Đông của Thổ Nhĩ Kỳ".

"Tôi không nghĩ rằng đề xuất bán THAAD cho Saudi của Mỹ có liên quan đến việc gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia Bozkurt nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ, NATO và thay đổi cán cân quyền lực

Câu hỏi đặt ra là liệu tranh cãi Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình chuyển giao F-35 có thể ảnh hưởng đến cam kết NATO của Ankara và thúc đẩy giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiến xa đến mức "cấm cửa" Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik hay không?

"Cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO có vẻ vững chắc, bất chấp sự bất đồng về F-35/S-400", Darling lập luận. "Thổ Nhĩ Kỳ luôn có một tính toán khác về chính sách đối ngoại với các đối tác EU-NATO do các mối quan tâm cả bên trong lẫn bên ngoài, cũng như vị trí địa lý độc đáo của nước này".

Theo ông, "đóng cửa căn cứ không quân Incirlik cho Không quân Mỹ sẽ chỉ đến khi làn sóng tranh cãi tăng dần lên ở mức thứ hai, thứ ba so với hiện tại. Còn lúc này, lựa chọn như vậy chưa được bàn đến".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại