Cục diện chiến sự Ukraine (tính đến ngày 30-9) Nguồn: Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) - Tổng hợp: Minh Khôi - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Trong buổi lễ được phát trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký các văn bản chính thức sáp nhập bốn vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) vào Nga.
Động thái đi ngược lại luật pháp quốc tế, ngược lại với tất cả những gì cộng đồng quốc tế đang bảo vệ. Đó là một sự phỉ báng những nguyên tắc và mục đích hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Hành động này không thể tồn tại trong thế giới hiện đại và chúng ta không thể chấp nhận nó.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chỉ trích việc Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine.
Nga sẵn sàng sử dụng "mọi phương tiện"
Ông Putin tuyên bố những người dân sống ở bốn vùng này đã trở thành "công dân của chúng tôi mãi mãi" và rằng Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ mới bằng "tất cả phương tiện sẵn có". Ông cũng nhắc lại Mỹ đã tạo ra "tiền lệ" bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Nhật Bản vào cuối Thế chiến 2.
Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tuần trước, ông Putin cũng đã nhấn mạnh Nga sẵn sàng sử dụng "mọi phương tiện", bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ.
Điện Kremlin hôm 30-9 tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào vào các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập đều sẽ bị coi là hành động tấn công Nga. Điều này đồng nghĩa với việc bốn vùng mới sáp nhập Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sẽ nằm dưới "chiếc ô hạt nhân" của Nga.
Nghị sĩ Konstantin Zatulin, thành viên Đảng Nước Nga thống nhất - đảng ủng hộ ông Putin, nhận định trận chiến ở Ukraine sẽ leo thang đỉnh điểm vào tháng 11 hoặc tháng 12, khoảng thời gian quân đội Nga được bổ sung lực lượng từ quân dự bị.
"Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga có lợi từ một cuộc chiến tranh kéo dài. Tôi hoàn toàn không đồng ý với đánh giá này. Nga càng nhanh chóng đạt được chiến thắng thì càng tốt", ông Zatulin nói.
Trong khi đó, Peter Zalmayev, lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Dân chủ Á - Âu, nói với Đài Al Jazeera rằng: "Ông Putin phải cho người dân của mình thấy mục tiêu của cuộc chiến và hy vọng việc sáp nhập các vùng lãnh thổ vào Nga sẽ khơi dậy sự ủng hộ đang ngày càng giảm sút trong dân chúng".
Ông Andranik Migranyan, giáo sư tại Học viện Quan hệ quốc tế Matxcơva và là cựu cố vấn cho chính quyền ông Putin, cho rằng thông qua việc sáp nhập, Nga muốn giành lại thế chủ động sau một cuộc phản công bất ngờ của Ukraine ở Kharkov trước đó.
"Các cuộc trưng cầu ý dân khép lại cánh cửa đàm phán và mở ra khả năng bất kỳ lãnh thổ nào mà Nga giành được trong tương lai đều có thể sáp nhập vào Nga" - chuyên gia Migranyan nêu.
Giáo sư Migranyan cũng cho rằng Nga muốn thấy phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, thay vào đó gây áp lực buộc Kiev phải chấp nhận các điều khoản của Matxcơva trong việc chấm dứt xung đột.
15% diện tích Ukraine
Việc Nga chính thức tuyên bố sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine là bước leo thang trong cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài 7 tháng qua và đưa cuộc chiến này bước vào một giai đoạn mới không thể đoán trước.
Ukraine tất nhiên không cam tâm để Nga lấy lãnh thổ của mình. Bốn vùng mới sáp nhập vào Nga có diện tích khoảng 90.000km2, tương đương 15% tổng diện tích Ukraine. Nếu tính luôn bán đảo Crimea là 20% diện tích.
Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các tướng lĩnh, quan chức an ninh cấp cao nhất của đất nước trong ngày 30-9.
Thông tin chi tiết cuộc họp của ông Zelensky chưa được tiết lộ, nhưng Ukraine cho biết phản ứng thích hợp nhất từ phương Tây là tiếp tục giáng đòn trừng phạt vào Nga và cung cấp thêm vũ khí để họ tiếp tục giành lại lãnh thổ.
Ngày 30-9, ngay sau khi Tổng thống Putin tuyên bố sáp nhập bốn vùng của Ukraine vào Nga, Tổng thống Zelensky thông báo Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO. Việc kết nạp sẽ cần sự đồng ý của tất cả thành viên NATO.
Trong khi đó, các nước phương Tây đã chỉ trích mạnh mẽ các động thái trưng cầu ý dân và sáp nhập ở bốn vùng lãnh thổ của Ukraine và cho rằng chúng mang tính ép buộc, không đại diện cho toàn bộ, vi phạm luật quốc tế.
Dù vậy, phản ứng mạnh mẽ nhất từ phương Tây chỉ dừng ở mức cảnh báo cùng những tuyên bố ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga. Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ buộc Nga "trả giá nặng nề" vì đã leo thang xung đột, bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.
Tổng thống Joe Biden phải nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ "không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ" công nhận chủ quyền của Nga đối với bốn vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng đây là động thái "leo thang nguy hiểm", có thể đặt dấu chấm hết cho triển vọng hòa bình. Ông Guterres còn tuyên bố mọi hành động nhằm hợp pháp hóa việc sáp nhập các vùng lãnh thổ trên đều "vô giá trị" và "đáng bị lên án".
Trên chiến trường, Ukraine cũng đang đạt được một số bước tiến trong nỗ lực tái chiếm Donetsk. Lực lượng của Kiev đang ở ngay trước cửa thị trấn Lyman của vùng Donetsk, và lực lượng Nga tại khu vực này có nguy cơ bị bao vây và cắt đứt nguồn tiếp tế. Nga cũng đang phải vật lộn để tấn công các thành phố lớn như Slovyansk và Kramatorsk ở vùng Donetsk.
Trong bốn vùng, Lugansk và Kherson là hai khu vực mà Nga gần như có toàn quyền kiểm soát, trong khi Ukraine duy trì quyền kiểm soát ở phía bắc hai vùng còn lại là Donetsk và Zaporizhzhia.