Theo ông Yury Solomonov, nhà thiết kế trưởng của Viện Công nghệ Nhiệt Mátxcơva (MITT) - chuyên gia đứng sau các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đình đám Yars, Topol hay Bulava, các lực lượng hạt nhân Nga đi trước Mỹ từ 10-15 năm.
“Họ sẽ không thể nhanh chóng bắt kịp những ý tưởng mà chúng ta đã thực hiện, mặc dù trong thế giới hiện đại không khó để bắt đầu sản xuất” - ông Solomonov phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm 27.12 với tờ Argumenty Nedeli của Nga.
“Điều này không có nghĩa là họ (Mỹ) sẽ không thể làm tương tự. Nhưng nếu họ bắt đầu làm ngay từ bây giờ thì họ cũng phải mất từ 10-15 năm để bắt kịp chúng ta” - chuyên gia Nga nêu rõ.
Ông Solomonov lưu ý, tiềm năng hạt nhân của Mỹ vẫn rất mạnh, nhưng hệ thống hiện đại hoá vũ khí của nước này về cơ bản khác với Nga.
Chẳng hạn, các ICBM Minuteman của Mỹ sản xuất trong những năm 1960 vẫn chưa được thay thế bằng tên lửa mới mà chỉ được nâng cấp để kéo dài tuổi thọ của chúng đến năm 2030 - ông Solomonov nói.
Trong khi đó, chuyên gia này cho biết, Nga đã sản xuất một thế hệ vũ khí hạt nhân chiếc lược mới cả trên bộ và trên biển với chi phí tối thiểu.
Liên quan đến hệ thống tên lửa ICBM của Mỹ được triển khai ở Alaska và Châu Âu, ông Solomonov khẳng định Nga không cần có bất kỳ lo ngại nào về hệ thống này, vì theo lời ông, “hiệu quả của hệ thống tên lửa Mỹ là cực kỳ thấp”.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có rủi ro là các thành phần trong hệ thống tên lửa này có thể dễ dàng biến đổi thành vũ khí tấn công.