Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây xác nhận, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi đi một đề xuất tới "các nước châu Âu, châu Á chủ chốt và các tổ chức quốc tế" về việc tạm ngừng triển khai các vũ khí từng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tuy nhiên, phát biểu hôm thứ ba (30/9), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói, Nga thất vọng về phản ứng của NATO trước đề nghị trên của Tổng thống Putin.
"Phản ứng của toàn bộ NATO và các nước thành viên rất đáng thất vọng. Không may là, chúng tôi không nhận thấy sự sẵn sàng để theo đuổi ví dụ của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn sẽ làm việc nhằm thực thi ý tưởng này; nếu không một sự xói mòn tình huống an ninh nghiêm trọng tại châu Âu và có lẽ là cả ở các khu vực khác, sẽ có thể xảy ra sắp tới", ông Ryabkov chia sẻ với báo giới.
Tuần trước, NATO cho biết, họ đã nhận được một lá thư từ Nga liên quan tới đề xuất dừng triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại châu Âu. Tuy nhiên, liên minh quân sự hồi đáp rằng, họ không coi đề xuất này đáng tin cậy do sự xuất hiện tên lửa hành trình SSC-8 của Nga.
SSC-8 (9M729) là một tên lửa hành trình phóng đi từ mặt đất do Nga sản xuất và từng bị Mỹ gọi là mối lo ngại sau khi nó được thử nghiệm từ một bệ phóng di động.
Washington cáo buộc vụ phóng thử đã vi phạm INF, còn Nga khăng khăng là tên lửa SSC-8 hoàn toàn phù hợp với hiệp ước.
Thỏa thuận INF được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1987, đã bị hủy bỏ vào ngày 2/8 – bắt nguồn từ việc Mỹ đơn phương từ chối tuân thủ các điều khoản hiệp ước từ 6 tháng trước đó. Cả Washington và Moscow lần lượt chỉ trích nhau vi phạm hiệp ước.
INF cấm các bên tham gia tiến hành phóng đi từ mặt đất các tên lửa hành trình và đạn đạo có tầm bay từ 500 tới 5.500 km.