Trong một thông báo được ban hành hồi cuối tuần trước, Thống đốc Alexander Osipov tuyên bố rằng bất kỳ người lính địa phương nào chiếm được một chiếc xe tăng Leopard (do Đức sản xuất) "trong tình trạng còn hoạt động" có thể nhận được khoản tiền thưởng 3 triệu rúp (tương đương 42.909 đô la). Nếu phá hủy cỗ xe tăng này, khoản tiền thưởng sẽ là 1 triệu rúp (tương đương 14.303 đô la).
Các binh sĩ tham gia quá trình chiếm giữ xe tăng Leopard sẽ được nhận 7.150 đô la, còn những người hỗ trợ phá hủy xe tăng này sẽ được nhận 2.240 đô la.
Với xe tăng Abrams (do Mỹ sản xuất), binh sĩ nào có thể chiếm giữ một phương tiện loại này sẽ được nhận 1,5 triệu rúp (21.450 đô la), nếu phá hủy thành công sẽ được nhận 500.000 rúp (7.150 đô la).
Giống với Leopard, các binh sĩ hỗ trợ chiếm giữ hoặc phá hủy xe tăng Abrams sẽ nhận được khoản tiền nhỏ hơn.
Thông báo của Thống đốc Osipov nêu rõ rằng những binh sĩ đang "săn" xe tăng phương Tây không nên bất chấp nguy hiểm, mà "trước hết cần bảo toàn tính mạng và sức khỏe của mình".
Công ty hóa chất Fores của Nga cũng đã treo thưởng tương tự. Trong một tuyên bố trên trang web chính thức hôm thứ Sáu, Fores cho biết sẽ trả 5 triệu rúp (70.700 đô la) cho bất kỳ quân nhân Nga nào phá hủy hoặc chiếm được một trong hai loại xe tăng nói trên.
Sau khi liên tục từ chối yêu cầu cung cấp xe tăng của Kiev, các quan chức Mỹ cuối cùng đã nhượng bộ vào đầu tuần trước và đồng ý gửi 31 xe tăng chiến đấu M1 Abrams đến Ukraine. Việc chuyển giao sẽ diễn ra sớm nhất vào tháng 8.
Ngoài Mỹ, Đức cũng đã chính thức phê chuẩn việc cung cấp cho Kiev 14 xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ của mình, đồng thời cho phép các nước khác gửi xe tăng do Đức sản xuất đến Ukraine. Berlin cho biết dự kiến sẽ bàn giao Leopard muộn nhất vào cuối tháng 3.
Các quốc gia khác cam kết cung cấp xe tăng cho Kiev là Anh, Ba Lan, Canada, Tây Ban Nha, Na Uy và Hà Lan.