Nga -Thổ đẩy người Syria vào cuộc 'nội chiến' Libya như thế nào?

Đức Trí |

Hàng nghìn lính đánh thuê người Syria được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thuê đang đấu đá lẫn nhau ở Libya, đây là hệ quả của việc nền kinh tế bị tàn phá do chiến tranh.

Hàng nghìn lính đánh thuê người Syria được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thuê đang đấu đá lẫn nhau ở Libya, đây là hệ quả của việc nền kinh tế bị tàn phá do chiến tranh.

Theo báo cáo của hãng thông tấn AL-Monitor ngày 24/7, do sự tàn phá của cuộc nội chiến Syria và lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều người Syria do khó khăn về kinh tế đã buộc phải đến Libya để làm lính đánh thuê, một số gia nhập vào lực lượng Chính phủ thống nhất Libya (GNA), một số khác gia nhập Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Belqasim Haftar lãnh đạo.

Các bên hậu thuẫn LNA và GNA ở Syria đều cáo buộc nhau là đưa những phần tử cực đoan vào chiến trường Libya.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 17/7 đã đưa ra báo cáo cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 3.500-3.800 lính đánh thuê Syria đến Libya trong ba tháng đầu năm 2020, nhưng không có bằng chứng nào chứng minh được rằng những người này có liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc các tổ chức cực đoan khác.

Theo một báo cáo khác do Liên Hợp Quốc đưa ra hồi tháng 5/2020, Tập đoàn Wagner của Nga đã gửi ít nhất 1.200 lính đánh thuê đến chiến đấu ở Libya, mặc dù chính phủ Nga phủ nhận việc can thiệp vào cuộc xung đột nội bộ ở Libya.

Theo báo cáo của tổ chức Sự thật và Công lý Syria, Tập đoàn Wagner của Nga đã tuyển dụng khoảng 3.000 tay súng Syria với mức lương hàng tháng từ 800 - 1.500 USD. Báo cáo dẫn lời một tay súng người Syria Yusuf nói rằng, anh ta là thành viên của Quân đội Syria Tự do (FSA), nhưng sau đó đã đạt được thỏa thuận hòa giải với Chính phủ Syria.

Tuy nhiên, Chính phủ Syria đã không xóa hồ sơ về việc anh ta tham gia lực lượng phiến quân, và cuộc sống của anh ta cũng rất khó khăn.

Trong tuyệt vọng, người này đã gia nhập lực lượng lính đánh thuê do Nga tuyển dụng để đến Libya chiến đấu. Hàng tháng, người này nhận được mức lương 1.000 USD, việc đã từng gia nhập lực lượng phiến quân của người này cũng có thể bị xóa dưới sự bảo đảm của Nga.

Theo báo cáo, những người Syria này không muốn tham gia vào cuộc nội chiến ở Libya và đa số những người này cũng không hiểu về cuộc nội chiến ở Libya. Mục đích duy nhất của họ là kiếm tiền. Làm lính đánh thuê ở Libya, mức lương cao gấp 20 lần so với Syria. Những người đến Libya làm lính đánh thuê đã vượt quá nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Nga -Thổ đẩy người Syria vào cuộc nội chiến Libya như thế nào? - Ảnh 2.

Libya đang dần trở thành chiến trường của những người Syria. Nguồn: Huanqiu.

Thực tế trên cho thấy nhiều tay súng vũ trang thuộc phe đối lập Syria đã tham gia vào cuộc nội chiến Libya với tư cách là lính đánh thuê chỉ vì sinh kế. Trong tương lai, lực lượng này nhiều khả năng buộc phải "nội đấu" trên chiến trường Libya.

"Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình huống xấu hổ. Những người đã hợp lực để cố gắng lật đổ Tổng thống Syria Bashar sẽ tấn công lẫn nhau trên chiến trường của một quốc gia khác", Bashim Ahmed, người đồng sáng lập tổ chức Sự thật và Công lý Syria nói.

Theo thông báo của người phát ngôn LNA - Thiếu tướng Ahmad Al-Mismari, tính đến nay, con số lính đánh thuê người Syria ở Libya đã lên đến hàng chục nghìn người, chủ yếu là của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong đó, tính đến đầu tháng 4/2020 số lính đánh thuê người Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tử vong đã lên tới con số 500 sau hơn 4 tháng chiến đấu. Đa số những người này tử vong do “nội đấu Syria” ở Libya.

Được biết, những lính đánh thuê Syria đầu tiên đã đến Libya vào cuối tháng 12/2019. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã vận chuyển một số lượng lớn trong số họ đến quốc gia Bắc Phi này. Điều đáng chú ý là, sau khi đưa đến đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã phó mặc số phận những tay súng này ở Libya.

Đất nước giàu dầu mỏ Libya chìm vào xung đột sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn năm 2011. Kể từ đó, Libya chia rẽ thành hai phe quyền lực đóng ở hai nơi. GNA kiểm soát thủ đô Tripoli và miền tây, LNA kiểm soát TP Benghazi và miền đông.

Cuộc xung đột tồi tệ hơn khi lực lượng ông Haftar mở chiến dịch đánh chiếm Tripoli tháng 4/2019. Vài ngày sau, GNA mở chiến dịch “Núi lửa giận dữ” để đánh trả. Cuộc chiến giành Tripoli với sự tham gia chủ yếu là lính đánh thuê trong một năm qua đã khiến hàng trăm người chết, trong đó có hàng chục dân thường và buộc hơn 200.000 người di tản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại