Chiếm "lưỡi liềm dầu" Sirte, Thổ Nhĩ Kỳ làm sao tránh mối họa "huynh đệ tương tàn" với Nga ở Libya?

Mạnh Kiên |

Ở Sirte và Jufra, Thổ Nhĩ Kỳ đang có các lựa chọn khác nhau để giành lấy khu vực này mà không đối nghịch hoàn toàn với Nga.

Có ba lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ chú trọng đến chiến lược ở Libya và muốn tiến công giành lấy trục Sirte và Jufra.

Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo vệ các lợi ích tài chính, năng lượng, quân sự và địa chính trị ở Libya.

Thứ hai, nơi đây là đấu trường cho cuộc cạnh tranh quyền lực đang diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia Ả Rập (UAE, Ai Cập và Saudi Arabia). Ankara muốn mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi trên quy mô rộng lớn hơn.

Thứ ba, đây là một phần của chính sách Đông Địa Trung Hải mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với một khối các quốc gia bao gồm Hy Lạp, Síp, Israel, Ai Cập và Pháp.

Chiếm lưỡi liềm dầu Sirte, Thổ Nhĩ Kỳ làm sao tránh mối họa huynh đệ tương tàn với Nga ở Libya? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ rục rịch muốn tấn công giành lấy trục Sirte và Jufra.

Diễn biến hiện tại

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA) vào tháng 11 về việc phân định khu vực hàng hải ở Đông Địa Trung Hải.

Thông qua thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng ranh giới trên biển ở Đông Địa Trung Hải, vấp phải sự phản đối của hầu hết các cường quốc châu Âu, gây ra căng thẳng với Hy Lạp, Síp và Pháp nói riêng.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng gấp đôi sự hiện diện của quân đội và hải quân ở Đông Địa Trung Hải, mặc định cho rằng đây là khu vực nằm trong ảnh hưởng của mình.

Ở Libya, với những chiến thắng quân sự gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ và GNA, bản đồ xung đột đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho liên minh này. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để bất kỳ bên nào có thể tuyên bố chiến thắng.

Bất chấp những tổn thất mà Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo phải gánh chịu, Nga được cho là đang tăng gấp đôi sự hiện diện quân sự tại quốc gia này.

Ngoài ra còn có mối đe dọa về sự can thiệp của quân đội Ai Cập nếu Thổ Nhĩ Kỳ và GNA tiến hành cuộc tấn công quân sự vào Sirte và Jufra.

Như vậy, mục tiêu và lựa chọn trước mắt của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn này là gì?

Hướng đi cho Thổ Nhĩ Kỳ

Đầu tiên, nhiều khả năng, Ankara sẽ cố gắng biến những chiến thắng quân sự của mình thành những lợi ích tài chính, chiến lược và địa chính trị một cách cụ thể, càng sớm càng tốt. Ở cấp độ chiến lược và địa chính trị, nước này sẽ cố gắng thiết lập và vận hành cả căn cứ không quân (al-Watiya) và hải quân (Misrata) nhanh nhất có thể.

Về mặt tài chính và năng lượng, Ankara khao khát đóng vai trò chính trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, và trong các dự án cơ sở hạ tầng, xây dựng cho chính quyền GNA

Thứ hai, tương lai của Sirte và Jufra, gần "lưỡi liềm dầu" của Libya, đã trở thành điểm tranh cãi quan trọng giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và liên minh UAE-Ai Cập.

Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đang tiếp tục xây dựng quân đội, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi LNA rút khỏi các khu vực này như một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.

Do tính chất liên kết của các cuộc xung đột Syria và Libya, tương quan mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và sự hiện diện của Moscow, Ankara sẽ cẩn thận không đối kháng hoàn toàn với Nga. Từ quan điểm này, mục tiêu trước mắt của Ankara là hướng đến sự rút lui của LNA khỏi các khu vực này.

Chiếm lưỡi liềm dầu Sirte, Thổ Nhĩ Kỳ làm sao tránh mối họa huynh đệ tương tàn với Nga ở Libya? - Ảnh 3.

Liên minh Thổ Nhĩ Kỳ-GNA đang vấp phải những rào cản lớn.

Mượn tay Mỹ

Khi nói đến quyền kiểm soát Sirte và Jufra, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ cởi mở với các lựa chọn khác nhau, thay vì để cho GNA giành quyền quản lý toàn bộ.

Theo đó, chính quyền địa phương của các khu vực này hoặc sự hiện diện của một lực lượng quốc tế có thể là sự thay thế cho sự kiểm soát hoàn toàn của GNA hoặc LNA. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ bằng mọi giá sẽ không chấp nhận sự kiểm soát của LNA đối với khu vực quan trọng nhất.

Về mặt này, lời đe dọa can thiệp quân sự của Ai Cập dường như không gây ra nhiều lo ngại ở Ankara.

Mặc dù không thể loại trừ khả năng can thiệp của Ai Cập, vì Ai Cập dường như bắt buộc phải đáp trả một cuộc tấn công quân sự vào Sirte-Jufra sau những cam kết công khai của mình, nhưng nhiều quan điểm cho rằng động thái như vậy có thể sẽ bị hạn chế, mang tính biểu tượng và khả năng được thực hiện dưới dạng không kích hơn hoạt động trên mặt đất.

Ngoài ra, Ankara cũng sẽ sẵn sàng thỏa thuận với Ai Cập về Libya nếu nước này tin rằng Cairo có thể hoạt động độc lập với UAE và Ả Rập Saudi trong chính sách đối ngoại.

Ở cấp độ quốc tế, Ankara cũng đang có những mâu thuẫn với Mỹ, Đức và Italy về vấn đề Libya, trong khi xung đột Thổ Nhĩ Kỳ - Pháp sẽ tiếp tục.

Bất chấp những hiềm khích này, bằng cách tận dụng sự tham gia quân sự ngày càng tăng của Nga ở Libya và mối lo ngại về vai trò lớn hơn của Nga ở Đông Địa Trung Hải, Ankara đang gia tăng các hoạt động tiếp cận đối với Mỹ, Đức và Italy để tìm kiếm sự trợ giúp.

Đây chính là hướng đi thứ ba cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Sirte và Jufra, thay vì lựa chọn GNA hoặc LNA kiểm soát khu vực này.

Nhưng cho đến nay, Mỹ chủ yếu chỉ hỗ trợ bằng lời nói cho Thổ Nhĩ Kỳ và có những chỉ trích khắc nghiệt đối với Nga mà không cung cấp hỗ trợ cụ thể cho Ankara.

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất nhằm tránh đối đầu với Nga một khi tiến hành đánh chiếm Sirte và Jufra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại