Từ quan điểm của Nga, chiến dịch tại Syria cung cấp cho Kremlin kinh nghiệm vô giá trên chiến trường và giúp Nga nâng cao chất lượng, năng lực của lực lượng quân sự, RCD cho biết.
Ngày 7.6, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói trong một buổi trả lời phỏng vấn trên truyền hình:
"Việc sử dụng quân đội trong điều kiện chiến đấu là kinh nghiệm duy nhất và là phương tiện duy nhất để nâng cao chất lượng quân đội... Không có một cuộc tập trận nào có thể so sánh với việc sử dụng quân đội trong điều kiện chiến đấu thực thụ".
Thu được kinh nghiệm chiến đấu
Theo Kremlin, một trong những lý do quan trọng nhất để Nga tiếp tục chiến dịch tại Syria là để nâng cao khả năng của những vũ khí dẫn đường tấn công chính xác mới được phát triển. Ông Putin tuyên bố:
"Syria không phải là trường bắn cho những vũ khí Nga nhưng chúng ta đã sử dụng những vũ khí mới của mình tại đây... Điều này sẽ giúp cải tiến những hệ thống tấn công hiện đại bao gồm cả những hệ thống tên lửa và xem xét chúng hoạt động thế nào trong các điều kiện chiến đấu".
Ông Putin cũng lưu ý rằng Syria đã chứng tỏ sự quan trọng với ngành công nghiệp quốc phòng Nga - đã thu được những sự thật giá trị về cách lực lượng quân đội của Kremlin sử dụng những vũ khí trong chiến đấu:
"Khi chúng ta bắt đầu sử dụng những vũ khí hiện đại này, bao gồm cả tên lửa, toàn bộ đội ngũ từ các công ty công nghiệp quốc phòng sẽ tới Syria làm việc tại đây - điều này rất quan trọng với chúng tôi - để hoàn thiện các loại vũ khí và xem xét xem chúng ta có thể tin cậy chúng thế nào khi sử dụng trong điều kiện chiến đấu thực thụ".
Tiêm kích đa năng Su-34 của Không quân Nga chiến đấu ở Syria.
Địa điểm thử vũ khí của Nga
Nhưng Syria đã chứng tỏ còn hơn chỉ là một địa điểm để Nga thử kỹ thuật quân sự. Chiến dịch tại Syria đã giúp Nga phát triển, rèn luyện những nhà lãnh đạo quân sự và cung cấp cho lực lượng quân đội những kinh nghiệm thực tế trên chiến trường. Điều này, cho phép quân đội Nga cải tiến các chiến thuật, kỹ thuật và các quy trình tác chiến.
Tổng thống Nga tuyên bố:
"Những chỉ huy của chúng ta - chúng ta có một số lượng lớn các sĩ quan và tướng lĩnh đã tới Syria và tham gia chiến sự tại đây - bắt đầu hiểu được một cuộc xung đột vũ trang hiện đại là như thế nào, tầm quan trọng của thông tin liên lạc, tình báo và sự tương tác giữa tất cả các đơn vị, các binh chủng; tầm quan trọng của việc bảo đảm tác chiến hiệu quả giữa các nhóm máy bay, lục quân bao gồm cả các lực lượng đặc biệt...
Điều này cho phép chúng ta có một bước đi lớn để cải thiện lực lượng quân đội".
Michael Kofman - một nhà nghiên cứu cấp cao về hoạt động quân sự của Nga tại Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ đã lưu ý rằng cuộc chiến của Kremlin tại Syria đã chứng minh sự vô giá với Moscow khi có được việc đào tạo trên chiến trường thực tế:
"Rất nhiều nhân viên quân sự cấp cao đã luân phiên tới Syria và cũng có một tỷ lệ quan trọng của lực lượng không quân... Hầu hết các sĩ quan chỉ huy vùng và sĩ quan chỉ huy của các lực lượng liên hợp đã dành thời gian làm việc tại Syria. Syria là một cuộc chiến tốt với Nga, là một kênh huấn luyện quan trọng cho các sĩ quan cấp cao".
Thực tế, hầu hết nguồn tài chính trong chiến dịch Syria của Kremlin đều được lấy từ ngân sách huấn luyện của quân đội nga:
"Tiền cho cuộc chiến được lấy từ ngân sách huấn luyện của quân đội", ông Vasily Kashin một hội viên cao cấp của Trung tâm châu Âu toàn diện và nghiên cứu quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp Moscow nói.
"Tất cả các vũ khí được thử nghiệm ở đây kể cả những loại chưa được chấp nhận sản xuất hàng loạt, 10.000 sĩ quan đã thu được những kinh nghiệm thật sự quý giá trên chiến trường. Sử dụng số tiền tương tự vào huấn luyện sẽ không bao giờ có được kết quả như vậy".
Với những sự huấn luyện và bài học rút ra, người Nga tin rằng cuộc chiến này chỉ tốn kém ở mức tương đương với số tiền dành cho ngân sách huấn luyện.
Bài học rút ra
Bài học quan trọng nhất mà quân đội Nga học được tại Syria là sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ giữa không quân và lục quân. Ông Kofman nói:
\"Tại Syria, đầu tiên không quân Nga học được cách đánh và sau đó học được cách để hỗ trợ lục quân... Ở đây, có đơn vị đặc biệt cùng các cố vấn đánh các trận lẻ tẻ nhưng sau đó họ bắt đầu hợp nhất không quân và lục quân trong các chiến dịch theo thời gian thực".
Nga cũng đã triển khai hệ thống S-300 ở căn cứ của mình tại Syria nhưng chưa cung cấp cho chính phủ Syria vũ khí này.
Quân đội Nga cũng nhanh chóng học được sự hạn chế của những hệ thống cảm biến và vũ khí. Theo ông Kofman thì:
"Người Nga đã nhanh chóng nhận ra những vũ khí nào và hệ thống nào vẫn không phù hợp cho việc tấn công chính xác... Hệ thống tính toán đường bom SVP-24 có độ chính xác đáng kể nhưng máy bay phải bay rất cao và các loại đạn của Nga thì quá lớn để thực hiện nhiệm vụ.
Cuối cùng thì lực lượng trực thăng cũng có một vài hệ thống có khả năng bắn các loại đạn dẫn đường chính xác tấn công các mục tiêu di động".
Trong khi chiến dịch Syria đã phơi bày sự yếu kém trong những vũ khí, cảm biến, chiến thuật và huấn luyện của Nga, nó cũng cấp cho Nga một cơ hội để giải quyết những thiếu sót. Người Nga đã đạt được năng lực to lớn trên chiến trường kể từ khi bắt đầu chiến dịch Syria năm 2015:
"Qua thời gian họ đã nâng cao chất lượng của việc tấn công thăm dò phức hợp, khả năng tiếp cận mục tiêu trong thời gian thực".
Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga chiến đấu ở Syria.
Cái giá của chiến tranh
Những gì Nga có được tại Syria cũng phải trả giá. Moscow cũng thiệt hại về người và vũ khí trong cuộc can thiệp quân sự vào đất nước đang bị chiến tranh chia cắt này. Ông Putin biết rằng quân đội Nga hy sinh cả người và vũ khí trong cuộc can thiệp của Kremlin vào Syria để chống đỡ cho chế độ của tổng thống Bashar al-Assad:
"Chúng ta biết rằng việc sử dụng quân đội trong chiến tranh nghĩa là sẽ có mất mát. Chúng ta không bao giờ quên những mất mát đó và sẽ không bao giờ để cho các gia đình của các đồng chí không quay trở về từ Syria gặp vấn đề".
Nhờ có sự giúp đỡ của Nga, ông Bashar al-Assad đã dần lấy lại được quyền kiểm soát Syria.
Dù có những mất mát, ông Putin nhấn mạnh rằng các chiến dịch quân sự của Nga tại Syria là cần thiết để bảo vệ các lợi ích sống còn của Moscow trong khu vực. Hơn nữa, ông cũng nhấn mạnh Nga đã ngừng các hoạt động tác chiến lớn tại Syria nhưng Moscow sẽ không sớm rút về lực lượng của mình trong khu vực:
"Quân đội của chúng ta ở đây để bảo vệ các lợi ích của Nga trong một khu vực quan trọng sống còn trên thế giới, nơi rất gần với chúng ta và họ sẽ ở lại đó chừng nào nó vẫn có lợi ích cho Nga và để đảm bảo những cam kết quốc tế của chúng ta".
Sự ủng hộ trong nội địa với chiến dịch Syria của Nga
Tuy nhiên, có vẻ ông Putin nhận ra rằng dân chúng Nga sẽ không đồng hành cùng ý tưởng cam kết không giới hạn tại Trung Đông - đã nói rằng Moscow không có ý định ở lại Syria lâu dài:
"Chúng ta chưa có kế hoạch để rút những đơn vị này về nhưng tôi muốn đưa sự chú ý của các bạn tới thực tế là tôi không gọi đây là những địa điểm căn cứ của chúng ta... Chúng ta không có ý định xây dựng những công trình dài hạn tại đó và có thể nhanh chóng rút quân mà không có thiệt hại gì.
Hơn nữa, họ đang thực hiện những công việc cần thiết, những nhiệm vụ quan trọng bao gồm cả việc đảm bảo an ninh của Nga trong khu vực và bảo đảm lợi ích trong lĩnh vực kinh tế".
Ông Putin kiên quyết coi cuộc can thiệp quân sự của Moscow tại Syria là giải pháp ngăn chặn một mối đe dọa trực tiếp tới nước Nga. Ông muốn người dân của mình thấy rằng sẽ tốt hơn nếu tấn công khủng bố Hồi giáo có nguồn gốc từ các nước dân chủ vùng Trung Á thuộc Liên Xô cũ tại Syria chứ không phải tại nước nhà Nga.
Ông Putin nói rằng: "Để tôi nhắc với các bạn là có hàng nghìn những tay khủng bố có nguồn gốc từ các nước Trung Á nơi chúng ta không kiểm soát đường biên giới đang tập trung trên lãnh thổ Syria... Sẽ tốt hơn nếu đánh và tiêu diệt chúng tại đó hơn là chạm trán với chúng tại đây".
Tháng 9.2015, tổng thống Putin quyết định Nga sẽ can thiệp quân sự vào Syria.
Ông Kashin cũng lưu ý rằng những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy dân chúng Nga ủng hộ cuộc chiến của Kremlin tại Syria : "Nói chung, phần lớn dân chúng ủng hộ chiến dịch Syria nhưng chỉ có một số ít người thực sự quan tâm về chiến dịch này".
Thực tế, những người có mối quan tâm tích cực đến chiến dịch tại Syria chiếm khoảng 1/5 dân số. Ông Kashin nói:
"Khi có gì trọng đại xảy ra sẽ có khoảng 30% dân số thực sự quan tâm đến nó... Khi không có gì lớn xảy ra, sẽ chỉ có 20% thực sự có mối quan tâm. Nhưng giữa những người thực sự quan tâm đến chiến dịch - xem và đọc về nó thì ủng hộ cuộc chiến một cách mạnh mẽ".
Lý do ủng hộ cuộc chiến của những người quan tâm tới chiến dịch là vì họ tin rằng sẽ tốt hơn nếu Moscow đánh lại các phần tử khủng bố tại Syria hơn là trong nội địa nước Nga. "Sự giải thích rằng chúng ta sẽ tiêu diệt những kẻ thế nào cũng xâm phạm những vùng lãnh thổ của Liên Xô có vẻ rất logic", ông Kashin cho biết.
Liệu Syria có phải là một trong những lợi ích sống còn của Nga?
Ông Kofman cho rằng trong khi Kremlin nói chiến dịch tại Syria là lợi ích sống còn với Nga thì vẫn có nhiều hoài nghi đáng cân nhắc về vấn đề này: "Về mặt cân bằng với Mỹ, lãnh đạo Nga tin rằng Syria là một chiến dịch quan trọng và là chiến lược có giá trị...
Dù sao, đây cũng không phải là một lợi ích sống còn. Nếu đúng là vậy, ông Putin đã không nhấn mạnh họ sẽ rời đi một cách nhanh chóng. Nhưng Nga vẫn đang lưu ý tới việc họ sẽ tác động những gì trong cuộc xung đột và đảm bảo rằng sẽ có thể rút quân chỉ với một thông báo ngắn".
Cuối cùng, Nga vẫn muốn ở lại Syria chừng nào những gì Kremlin thu hoạch được vẫn nhiều hơn những tổn thất phải gánh chịu.
Hiện tại, chiến dịch của Kremlin tại Syria đang gặt hái được những lợi ích ấn tượng từ việc huấn luyện trên chiến trường thực - nơi quân đội Nga có thể kiểm tra năng lực nhân sự và vũ khí của mình trong một cuộc chiến với những rủi ro nhỏ nhất.
Và đây là cơ hội của Nga để nâng cao chất lượng không chỉ kỹ thuật quốc phòng mà còn là chiến thuật, kỹ thuật, tiến trình thực hiện trong điều kiện tác chiến thật. Vì thế, Syria là vô giá với quân đợi Nga để đạt được kinh nghiệm chiến đấu khi mà Kremlin đang cố gắng để xây dựng lại nước Nga thành một quyền lực lớn có thể đối đầu trực tiếp với Mỹ.