Kênh truyền hình Zvezda (Sao đỏ) đã lẫn lời Phó Thủ tướng Nga, ông Yuri Borisov nhận định rằng hai loại tiêm kích hạm chủ lực của hải quân nước này là Su-33 và MiG-29K sẽ trở nên lạc hậu trong vòng 10 năm tới.
Cho nên ngay từ bây giờ Nga phải lựa chọn một sản phẩm kế tục xứng đáng để có thể giữ vững vị thế cường quốc quân sự trong giai đoạn đầu của thế kỷ 21.
Hình mẫu theo yêu cầu được xác định sẽ là một loại tiêm kích hạm có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B Lightning II của Mỹ.
Chiếc chiến đấu cơ này sẽ triển khai được từ các tàu sân bay cỡ nhỏ hay tàu độ bộ tấn công vì tiềm lực kinh tế lẫn khoa học kỹ thuật hiện tại của Nga không cho phép chế tạo hàng không mẫu hạm cỡ lớn.
Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh của Hội đồng liên bang (tức Thượng viện Nga), nguyên tư lệnh không quân Nga - Thượng tướng Viktor Bondarev cũng đồng tình với ý kiến này.
Được biết một phần ngân sách dành cho mua sắm trang bị giai đoạn 2018 - 2025 trị giá 19 nghìn tỷ RUB sẽ được dành cho chương trình này, kế hoạch sẽ kéo dài tới năm 2027.
Sau khi xuất hiện thông tin trên, đã có rất nhiều hy vọng cho rằng chương trình tiêm kích hạm Yak-141 trong tình trạng dở dang từ thời Liên Xô sẽ được hồi sinh vì nó đáp ứng yêu cầu mới đề ra cho không quân hải quân Nga.
Mặc dù vậy phải nhìn nhận thực tế rằng thiết kế của Yak-141 đã quá lạc hậu vì ra đời từ rất lâu, năng lực chiến đấu của nó cũng tương đối hạn chế cho dù tính năng cất hạ cánh độc đáo đi trước thời đại rất xa.
Thế kỷ XXI là giai đoạn tiêm kích tàng hình chiếm lĩnh bầu trời, trong khi bề mặt của Yak-141 không có khả năng tán xạ sóng radar của đối phương, cho nên việc khôi phục lại quá trình nghiên cứu để hoàn thiện nó một cách đơn thuần tỏ ra rất thiếu hợp lý.
Ý tưởng nhận được nhiều sự đồng thuận nhất hiện nay chính là dựa trên khung thân của Yak-141, Nga sẽ nghiên cứu và thiết kế một dòng tiêm kích hạm tàng hình có các đặc điểm tương tự F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ.
Chiếc F-35B theo nhận định sẽ viết lại toàn bộ học thuyết sử dụng vũ khí và triển khai lực lượng hải quân trong tương lai, nó không yêu cầu phải có tàu sân bay đường băng dài mà chỉ cần không gian cất hạ cánh tối thiểu.
Bên cạnh đó, nhờ tính năng tàng hình mà F-35 Lightning II nói chung cũng như F-35B nói riêng đang nắm giữ lợi thế vô cùng lớn trước các đối thủ là tiêm kích thế hệ 4 khi nó có thể thấy trước và bắn trước.
Chính vì lý do trên, việc nước Nga tập trung tiền tài và nhân lực nhằm tạo ra phiên bản tàng hình hóa của Yak-141 sẽ là hướng đi đúng đắn nhất.
Nhưng trước mắt họ là cả một chặng đường dài do mẫu máy bay này chắc chắn sẽ cực kỳ phức tạp, thậm chí còn vượt xa cả chiếc Su-57 mà Nga vẫn đang chật vật tìm cách hoàn thiện.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-tham-vong-che-tao-ban-tang-hinh-hoa-cua-yak141-de-lam-doi-trong-f35b/815735.antd