Các bộ trưởng quốc phòng NATO hôm thứ Tư đã cân nhắc cách thức ngăn chặn Nga tiến hành một cuộc tấn công tên lửa chỉ với một thông báo ngắn tới châu Âu trong trường hợp một hiệp ước chống đầu đạn hạt nhân trên đất liền sụp đổ vào tháng tới.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ dự kiến rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 (INF) vào ngày 2/8 với lý do Nga phát triển một loại tên lửa vi phạm hiệp ước này, theo Reuters.
Về phần mình, Moscow cho biết họ hoàn toàn tuân thủ hiệp ước INF do Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đàm phán- đã loại bỏ kho vũ khí tên lửa tầm trung của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
NATO hành động toàn diện?
"Các bộ trưởng đã đồng ý rằng NATO sẽ đáp trả nếu Nga không quay trở lại tuân thủ (hiệp ước-pv)", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp tại Brussels.
"Họ sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự sụp đổ của hiệp ước", mặc dù ông nói rằng NATO sẽ không triển khai các tên lửa tầm trung, có khả năng hạt nhân ở châu Âu – điều đã xảy ra vào những năm 1980.
NATO đang lo ngại một loại tên lửa mới của Nga.
Tình báo Hoa Kỳ và Anh thấy rằng Nga đã tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình SSC-8 phóng từ mặt đất – điều vi phạm INF – vốn cấm tên lửa tại mặt đất có tầm bắn 500 km – 5.500km, các nhà ngoại giao NATO nói.
NATO cho biết các tên lửa này rất khó phát hiện và có thời gian cảnh báo ngắn hơn các tên lửa tầm xa, làm gia tăng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột.
Mâu thuẫn về vấn đề tên lửa đánh dấu sự tồi tệ hơn nữa trong các mối quan hệ Đông-Tây – vốn đã xấu đi kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Tình hình này cũng kéo theo lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc - nơi cũng đang phát triển tên lửa.
Ông Stoltenberg cho biết, các bộ trưởng quốc phòng liên minh đã xem xét nhiều lựa chọn, bao gồm việc thực hiện nhiều cuộc tập trận hơn, sử dụng vũ khí thông thường và cải thiện năng lực tình báo, giám sát cũng như phòng không.
Các nhà ngoại giao nói với Reuters rằng, việc triển khai máy bay chiến đấu F16 và máy bay ném bom B52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và định vị lại hệ thống tên lửa trên biển cũng đang được xem xét.
Các bước đi như vậy nhằm củng cố quyết tâm của NATO trong việc bảo vệ châu Âu và gia tăng cái giá phải trả về kinh tế và quân sự cho Nga khi để xảy ra bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Luxembourg, ông François Bausch nói rằng, trong khi các nhà ngoại giao sẽ tiếp tục thúc giục Moscow tiêu diệt tên lửa SSC-8, NATO cũng cần "một sự đáp lời về mặt quân sự" khi an ninh của châu Âu đang bị đe dọa.
Nỗ lực ngoại giao cuối cùng
Các phái viên NATO dự kiến sẽ gặp các quan chức Nga trong diễn đàn Hội đồng NATO - Nga vào tuần tới để tiến hành một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn hiệp ước INF trước thời hạn tháng 8.
Kathryn Wheelbarger, quyền trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, nói rằng trong khi vẫn còn thời gian để Nga thay đổi tiến trình của họ, "chúng tôi không cho rằng họ sẽ làm như vậy".
Trước khi cuộc họp diễn ra, ông Stoltenberg đã từ chối không nhắc đến việc NATO có thể cấu hình lại lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình ở đông nam châu Âu để chống lại tên lửa của Nga.
Trước đó, các quan chức phương Tây và liên minh này luôn khẳng định rằng các hệ thống radar và bệ phóng tên lửa được đầu tư hàng tỷ USD từ Mỹ và do NATO kiểm soát tại châu Âu là nhằm vào Iran chứ chúng không được thiết kế để nhắm vào Nga- như Moscow đã tuyên bố.
Giữa nguy cơ leo thang vũ khí giữa hai siêu cường, các đồng minh châu Âu đang lo lắng về việc bị cuốn vào cuộc cạnh tranh hạt nhân Moscow - Washington.
Còn Hoa Kỳ cho biết, họ cũng sẽ tập trung phát triển các tên lửa thông thường đóng vai trò răn đe đối với cả Nga và Trung Quốc- vốn không phải là một bên ký kết hiệp ước INF. Trung Quốc, trong khi đó cũng đã tuyên bố ý định đẩy mạnh các công nghệ mới, bao gồm cả tên lửa hành trình mới.
"Chúng tôi cần xây dựng (tên lửa) chính xác tầm xa ", Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper nói với các phóng viên vào thứ ba trên đường tới Brussels. "Việc rời khỏi hiệp ước INF sẽ cho phép chúng tôi làm điều đó theo cách phi hạt nhân, theo cách thông thường. Và nó cũng giúp chúng tôi tự do đối phó với không chỉ Nga mà cả Trung Quốc".