Theo EurAsian Times, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu các nỗ lực nhằm gia tăng sự hiện diện quân sự của Nga tại vùng Viễn Đông dọc biên giới với Trung Quốc, trong bối cảnh các mối đe dọa từ nước ngoài đang lớn dần.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Moscow quyết định thêm lực lượng tới đây sau khi ghi nhận các căng thẳng gia tăng tại "hướng chiến lược phía đông" – khu vực bao gồm vùng biên giới phía đông của Nga với Trung Quốc, và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù không nói cụ thể những mối đe dọa mới là gì, hay đích xác lực lượng tăng cường sẽ được triển khai ở đâu nhưng ông Shoigu cam kết cung cấp 500 đơn vị thiết bị mới và được hiện đại hóa cho khu vực này, cũng như một số nâng cấp dành cho hải quân.
Chuyên gia phân tích Alexander Gabuev tại Trung tâm Carnegie của Moscow nhận định, Nga muốn đề phòng những tình huống bất ngờ thông qua việc đảm bảo năng lực quân sự tại khu vực này.
Nơi đây có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xảy ra tình huống xấu nhất là nổ ra xung đột, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng tích tụ giữa hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc.
Theo các báo cáo, đại diện phát ngôn của Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho biết mối lo ngại của Moscow tập trung quanh các hành động của những quốc gia nằm ở phía ngoài vùng này.
"Tất cả các hành động đó, tất nhiên, không đóng góp chút nào vào sự ổn định của khu vực" – Ông Peskov nói.
Căng thẳng đã leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, khiến Bắc Kinh giận dữ.
Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá, mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Mỹ và Đài Loan – hòn đảo mà Bắc Kinh xem là một vùng lãnh thổ của mình – có thể sẽ dẫn tới một cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực.
Trước đó, bình luận về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Viễn Đông, trang tin TFI cho rằng có vẻ động thái của Nga còn có liên quan tới việc thời gian gần đây, một lượng lớn người dùng mạng tại Trung Quốc tuyên bố rằng Vladivostok là một phần của Trung Quốc.
Theo những người này, nơi đây vốn là quê hương Mãn Châu của nhà Thanh nhưng đã bị Đế quốc Nga thôn tính vào năm 1860, sau khi Trung Quốc bị Anh và Pháp đánh bại trong cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ hai.
EurAsian Times cho hay, mặc dù mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhưng việc Moscow quyết định đình chỉ lô tên lửa đất-đối-không S-400 thứ hai cho Bắc Kinh đã làm dấy lên nhiều câu hỏi.
Trung Quốc đã tiếp nhận lô tên lửa S-400 đầu tiên vào năm 2018. Theo truyền thông Trung Quốc, sở dĩ Nga đình chỉ vô thời hạn lô S-400 thứ 2 là do lo ngại công tác chuyển giao sẽ gây ảnh hưởng tới các hoạt động chống đại dịch COVID-19 của quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, EurAsian Times lưu ý rằng, quyết định trên được đưa ra sau khi Nga cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hoạt động do thám.