Phiến quân Syria chuẩn bị tấn công hóa học ở Idlib
Các lực lượng vũ trang Nga đã nhận được thông tin lực lượng phiến quân Hayat Tahrir Al-Sham chuẩn bị tiến hành các hoạt động khiêu khích bao gồm tấn công hóa học ở tỉnh Idlib.
Phát biểu hôm 20/9, Thiếu tướng Alexander Grinkevich thuộc Trung tâm Tái hòa giải dân tộc Syria của Nga cho hay, phe phiến quân ở Idlib đang lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào 2 ngôi làng sau đó đổ tội cho quân đội Syria.
Cảnh sát quân sự Nga ở tỉnh Idlib của Syria. (Ảnh: Sputnik)
“Trong những ngày tới, các tay súng khủng bố có kế hoạch dàn dựng tấn công vào 2 khu tập trung Ariha và Basames nhằm đổ lỗi cho quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Theo những thông tin nhận được, hoạt động của tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng liên quan trực tiếp tới quá trình chuẩn bị cho khu vực được cho làm nơi tấn công bao gồm dàn dựng hiện trường”, Sputnik dẫn lời Tướng Grinkevich nhấn mạnh.
Tướng Nga cũng lên tiếng hối thúc chỉ huy nhóm phiến quân ở Syria dừng hành động tấn công khiêu khích để tạo dựng hòa bình trong khu vực.
Không quân Nga tấn công dữ dội
Reuters đưa tin, theo nguồn tin từ phe đối lập Syria, các chiến đấu cơ Nga đã ném bom dữ dội xuống cứ điểm của phe phiến quân ở phía tây bắc Syria vào ngày 20/9. Đây là đợt tấn công có quy mô lớn nhất kể từ khi Nga – Thổ đồng thuận ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib hồi tháng Ba.
Nguồn tin cho hay, dàn chiến đấu cơ Nga đã tấn công vào khu vực ngoại ô thành phố Idlib và từ các chốt của quân đội Syria, loạt pháo hạng nặng bắn về hướng vùng núi Jabal al Zawya thuộc phía nam Idlib. Hiện chưa có báo cáo về mức độ thương vong sau đợt tấn công của không quân Nga và quân đội Syria.
“Hơn 30 cuộc tấn công đã được thực hiện. Đây là đợt tấn công có quy mô lớn nhất kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết”, Mohammed Rasheed, một cựu quan chức của phe nổi dậy Syria cho hay.
Một nguồn tin khác cho biết thêm, dàn máy bay Sukhoi của Nga đã tấn công khu vực Horsh và thị trấn Arab Said ở phía tây tỉnh Idlib. Ngoài ra, các máy bay không người lái (UAV) cũng đã tấn công xuống 2 thị trấn nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân ở cao nguyên Sahel al-Ghab, phía tây tỉnh Hama.
Sau khi Nga – Thổ ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib vào tháng Ba, Nga không cho tiến hành những đợt tấn công lớn trong khu vực.
Sau đợt tấn công hôm 20/9, phía Nga và quân đội Syria cũng chưa lên tiếng bình luận dù trước đó, Moscow và Damascus nhiều lần cáo buộc phiến quân vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib và tấn công vào vị trí mà quân đội Syria kiểm soát.
Thỏa thuận ký kết hồi tháng Ba giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan còn giúp hạ nhiệt căng thẳng và tránh nguy cơ đối đầu quân sự giữa quân đội hai nước, sau khi Ankara cho điều động hàng ngàn binh sĩ tới tỉnh Idlib để hậu thuẫn cho một số nhóm phiến quân trong khu vực.
Giới chức ngoại giao phương Tây cho rằng, Moscow đã gia tăng sức ép với Ankara trong vòng đối thoại mới nhất vào tuần trước liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ rút bớt quân ở Idlib. Còn theo các nguồn tin đối lập ở Syria, hơn chục ngàn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt tại hàng chục căn cứ hoạt động ở Idlib.
Theo hai nguồn tin, một phái đoàn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ với ít nhất 15 xe bọc thép đã tiến vào Syria trong đêm 20/9 qua đường viên giới Kafr Lusin và di chuyển thẳng hướng tới căn cứ chính ở ngoại ô Idlib.
Vào ngày 18/9, quân đội Nga - Thổ ở Idlib đã cho triển khai đợt tập trận chung mới để đối phó trước các cuộc tấn công của phe phiến quân. Nội dung cuộc huấn luyện gồm trinh sát các mục tiêu, vận chuyển thiết bị hư hỏng, hỗ trợ ban đầu và sơ tán người bị thương.
Mỹ đổi chiến thuật sau va chạm với quân đội Nga
Lầu Năm Góc đã cho điều động hàng loạt xe bọc thép, hệ thống radar cùng binh lính tới Syria để phô trương sức mạnh, cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự sau các vụ va chạm với quân đội Nga hồi tháng trước.
RT đưa tin, hoạt động triển khai thêm binh sĩ và vũ khí cũng như tăng cường tuần tra trên không ở phía đông Syria được Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ CENTCOM công bố hôm 18/9.
“Mỹ đã cho tăng cường radar Sentinel, tăng tần suất hoạt động tuần tra của dàn chiến đấu cơ Mỹ, cũng như đưa xe chiến đấu Bradley tới hỗ trợ các lực lượng quân sự Mỹ ở vùng an ninh phía đông Syria (ESSA)", phát ngôn viên CENTCOM, Đại úy Bill Urban nói.
Theo ông Urban, động thái này là nhằm “đảm bảo an toàn và an ninh cho liên quân Mỹ” hoạt động ở khu vực.
“Những hành động trên là sự thể hiện rõ ràng giải pháp của Mỹ trong việc bảo vệ các lực lượng liên quân ở ESSA và đảm bảo những lực lượng này không bị gián đoạn thực hiện sứ mệnh tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS”, ông Urban cho biết.
Hoạt động điều động lần này còn bao gồm 6 xe chiến đấu Bradley và hơn 100 binh sĩ Mỹ, song không rõ số vũ khí và lực lượng tăng cường sẽ hoạt động ở khu vực nào tại Syria. Hiện phần lớn khu vực phía đông bắc Syria đang nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.
Dù trong tuyên bố ông Urban không nhắc tới quân đội Nga ở Syria, nhưng theo CNN, một quan chức Mỹ giấu tên nhấn mạnh hoạt động triển khai quân và vũ khí mới nhất là “tín hiệu rõ ràng gửi tới Nga về việc Mỹ muốn hạ nhiệt nguy cơ đối đầu quân sự, cũng như tránh những hành động thiếu chuyên nghiệp, không an toàn và mang tính khiêu khích ở phía đông bắc Syria”.
Hồi tháng trước, một vụ va chạm đã xảy ra giữa hai đoàn tuần tra của quân đội Nga – Mỹ ở Syria, khiến phương tiện hai bên va chạm và làm 4 binh sĩ Mỹ bị thương.
Dù Washington cáo buộc Moscow có hành vi “khiêu khích”, nhưng Nga khẳng định các phương tiện quân sự Mỹ cố tình ngáng đường di chuyển của phái đoàn Nga.
Vài giờ trước khi Mỹ công bố thông tin về hoạt động triển khai thêm quân và vũ khí tới Syria, Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố quân đội Mỹ “hiện rút ra khỏi Syria”, ngoại trừ “những binh sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ mỏ dầu” ở phía đông Syria.
Sau khi nhận lời đề nghị hỗ trợ từ phía chính phủ Syria, lực lượng quân sự Nga đã tới Syria tham chiến kể từ năm 2015. Dù khẳng định sự hiện diện quân sự là để tiêu diệt IS, nhưng hoạt động của quân đội Mỹ ở Syria là bất hợp pháp khi không nhận được sự đồng thuận của chính quyền Damascus và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Washington đã đổ hàng trăm triệu USD vũ khí và các phương tiện quân sự khác hỗ trợ phiến quân lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Assad. Song dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ lại bỏ rơi lực lượng phiến quân từng được trang bị vũ khí và huấn luyện, trong khi chú trọng thực hiện không kích trên lãnh thổ Syria.