Báo Anh: Đồng minh khuyên Mỹ hạ mình "qua cửa" Nga nếu muốn thoát khỏi tử địa Syria?

Hoài Giang |

Trong cuộc vận động tại Michigan hôm 11/9, ông Trump nhấn mạnh rằng người Mỹ đang bị "buộc chặt" vào xung đột ở Syria và "chỉ được cát, được máu, được người bị thương và người bị chết".

Hôm 19/9, tờ Newsweek đăng tải bài viết nhan đề: "Donald Trump Must Talk to Russia and Syria If He Wants U.S. Out of War, Allies Say" (Tạm dịch: Các đồng minh cho rằng ông Trump muốn thoát khỏi xung đột cần đối thoại với người Nga và Syria) của tác giả Tom O'Connor.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là thông qua truyền thông Anh - quốc gia được đánh giá là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong bối cảnh Washington đang "mắc kẹt" ở thế đối đầu với Nga tại đông bắc Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

"Mọi con đường đều chạy qua Moscow và Damascus"

Người Mỹ đã chính thức tham chiến ở Syria trong hơn 6 năm, tất nhiên đó là chưa tính tới sự can dự vào những ngày đầu của cuộc chiến tranh gần một thập kỷ.

Giờ đây, trước thềm cuộc bầu cử quan trọng nhất của nước Mỹ, những đồng minh đã giúp Washington đánh bại nhóm khủng bố IS đã bày tỏ với Newsweek về cách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể "tiến về phía trước" mà không bỏ rơi họ.

Đối với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đa phần là người Kurd, họ đang "thấp thỏm" lo ngại về việc Mỹ rút quân, chỉ có một câu trả lời đó là "Mọi con đường đều chạy qua Moscow và Damascus".

Được hình thành từ các nhóm dân quân trang bị nhẹ, mặc dù có chiến đấu ngoan cường nhưng SDF sẽ đối mặt với một bên là các nhóm phiến quân thù địch được Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng, bên còn lại là chính quyền Syria đang tỏ ra cứng rắn trong việc tái thống nhất lãnh thổ.

Bị mắc kẹt giữa hai bên, đồng chủ tịch Hội đồng Dân chủ Syria (SDC - cánh chính trị bên cạnh SDF) Riad Darar cho rằng lối thoát duy nhất cho họ là thông qua giải pháp chính trị nhưng một kết quả như vậy "sẽ không thể xảy ra nếu không có chữ ký của người Mỹ trên đó".

Người đứng đầu SDC tiếp lời: "Các bên đều đang chờ đợi một sáng kiến ​​thực sự, và chính quyền (Mỹ) sẽ không thất bại nếu họ muốn làm điều này.

Chúng tôi tin rằng sẽ không có bất kỳ giải pháp nào cho tới khi người Mỹ ký nó, vì họ là sự bảo đảm tuyệt vời, ngay cả khi họ rời Syria đến Nga (di chuyển lực lượng đến các quốc gia NATO gần Nga), điều chúng tôi nghe được từ các quan chức Mỹ".

Báo Anh: Đồng minh khuyên Mỹ hạ mình qua cửa Nga nếu muốn thoát khỏi tử địa Syria? - Ảnh 1.

Một tay súng SDF đứng gác khi những phụ nữ người Kurd biểu tình trước một căn cứ của Mỹ ở tỉnh Al-Hasakah vào ngày 27/6 để phản đối các cuộc tấn công chết người của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực đông bắc Syria.

Thomas McClure, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin Rojava có trụ sở tại đông bắc Syria, cho biết điều này không có gì ngạc nhiên:

"Các quan chức ngoại giao (người Kurd) ở miền bắc và đông Syria từ lâu đã khẳng định rằng chiến lược của họ là song phương, và dựa vào sự hiện diện của người Mỹ để tăng "sức nặng" trên bàn đàm phán, đồng thời hy vọng vào một sự hòa giải lâu dài với Damascus".

Tuy nhiên, trái với hi vọng của ông Riad Darar, thực tế là người Nga, đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới là thế lực đang chiếm phần lớn trong hoạt động ngoại giao nhằm kết thúc chiến tranh ở Syria.

Quan điểm của Moscow đối với các đối thủ của Damascus khá rõ ràng, từ các "giao dịch" thường xuyên diễn ra với Ankara đến các cuộc đàm phán với SDC, người Nga đang kêu gọi các bên đối địch "xích lại gần nhau" để đem lại hòa bình.

Ông Darar nói: "Với tầm ảnh hưởng của Moscow đối với Damascus, không có bất kỳ nghi ngờ gì về việc người Nga có thể là sự đóng góp quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Vai trò của người Nga cũng có ảnh hưởng tương tự như vai trò của người Mỹ, vì vậy chúng tôi tin tưởng vào họ để đạt được những hiểu biết nhằm ngăn chặn khủng hoảng và kết thúc chiến tranh".

Đoàn xe quân cảnh Nga đi tuần ở đông bắc Syria, Mỹ điều trực thăng AH-64 Apache "quấy nhiễu" hôm 16/9.

Nga có sẵn sàng đối thoại?

Tuy nhiên, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra các thông điệp về việc rút quân, ông Riad Darar nhấn mạnh rằng họ vẫn hi vọng vào sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ ở đông bắc Syria trong trường hợp không có bất kỳ giải pháp chính trị nào được đưa ra.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố sẽ tái chiếm đông bắc Syria bằng vũ lực nếu ngoại giao tiếp tục không có kết quả. Một loạt các nhóm đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn còn "hung hãn" hơn, thề tìm cách tiêu diệt hoàn toàn lực lượng người Kurd mà Ankara coi là khủng bố.

Tình hình ở miền bắc Syria ngày càng thêm bế tắc sau quyết định rút khỏi một loạt tiền đồn trong khu vực vào tháng 10/2019 để tập trung vào việc kiểm soát nguồn tài nguyên dầu khí của Syria ở miền đông.

Được "bật đèn xanh" Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một chiến dịch quân sự xuyên biên giới có tên "Mùa xuân Hòa bình", các đợt tấn công chỉ dừng lại bởi các thỏa thuận liên tiếp giữa Washington và Moscow với Ankara.

Báo Anh: Đồng minh khuyên Mỹ hạ mình qua cửa Nga nếu muốn thoát khỏi tử địa Syria? - Ảnh 3.

Phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) đóng vai trò bộ binh xung kích cho Thổ Nhĩ Kỳ trong Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" năm 2019.

Người Kurd đã "hoàn toàn mất cảnh giác" trước quyết định của Nhà Trắng và đối mặt với viễn cảnh bị hủy diệt, họ đành "nhắm mắt đưa chân" để ký một thỏa thuận an ninh với Damascus, chấp nhận việc Quân đội Arab Syria (SAA) triển khai ở các vị trí quan trọng trong khu vực.

Theo nhà báo độc lập người Syria, Solin Mohammed Amin, nhận được bài học "cay đắng" nói trên, người Kurd đã trở nên "đặc biệt nhạy cảm" với những ý tưởng về việc Mỹ đột ngột rút quân:

“Lập trường của Mỹ về việc rút quân khiến chúng tôi (người Kurd) không thể đoán trước được điều gì đang diễn ra trong các hành lang ở Nhà Trắng và mức độ quyết tâm của họ đối với việc bảo vệ an toàn người dân trong khu vực".

Thời gian gần đây, Newsweek đã phỏng vấn một số quan chức Syria, Nga và Iran.

Mặc dù tất cả đều yêu cầu người Mỹ chấm dứt hành động mà họ coi là "chiếm đóng bất hợp pháp một quốc gia có chủ quyền" thì trong số 3 bên, người Nga là bên duy nhất công khai việc sẵn sàng đối thoại với Washington để tìm ra giải pháp chung.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Nga tại Washington, Nikolay Lakhonin nói với Newsweek: "Nga cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với các quan chức Mỹ ở cả ở tầm song phương cũng như tại Liên Hiệp Quốc về các vấn đề liên quan đến Syria.

Mục tiêu của các cuộc tiếp xúc này là thúc đẩy một tiến trình chính trị dựa trên UNSCR (Nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ) số 2254".

Ông Nikolay Lakhonin cũng nói thêm rằng việc hợp tác giữa hai nước "không nên bị chính trị hóa", vì nó có thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng ở Syria như phát triển cơ sở hạ tầng dân sự và kinh tế, rà phá bom mìn và cải thiện điều kiện sống của hàng trăm nghìn người di tản.

Báo Anh: Đồng minh khuyên Mỹ hạ mình qua cửa Nga nếu muốn thoát khỏi tử địa Syria? - Ảnh 4.

Đoàn xe của Quân đội Arab Syria (SAA) tiến vào kiểm soát thị trấn Tal Tamr ở đông bắc Syria vào cuối năm 2019.

3 mục tiêu chính sách của Mỹ nhằm vào Syria

Khi thảo luận về những cách cải thiện cuộc sống ở Syria, ông Lakhonin cũng bày tỏ hy vọng rằng: "Một thời điểm nào đó, chính phủ Mỹ sẽ nhận ra những tác động tai hại của các lệnh trừng phạt đối với người Syria".

Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phương Tây cáo buộc hàng loạt tội ác chiến tranh, bao gồm việc sử dụng vũ khí hóa học.

Hôm 15/9, ông Trump đã xác nhận việc cân nhắc ám sát nhà lãnh đạo Syria vì cáo buộc nói trên. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cho biết ông không hối hận vì đã kiềm chế còn người Nga vẫn nỗ lực khôi phục ​​tính hợp pháp của ông al-Assad.

Báo Anh: Đồng minh khuyên Mỹ hạ mình qua cửa Nga nếu muốn thoát khỏi tử địa Syria? - Ảnh 6.

Một phái đoàn Nga bao gồm Phó Thủ tướng Yuri Borisov và Ngoại trưởng Sergey Lavroi gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chuyến thăm Damascus vào ngày 7/9/2020.

Lưu ý rằng Moscow đã tiếp một phái đoàn của SDC vào cuối tháng 8/2020, phát ngôn viên Đại sứ quán Nga Lakhonin "gửi gắm" hy vọng rằng Mỹ sẽ không cố gắng làm gián đoạn nỗ lực hòa giải giữa các bên ở Syria:

"Moscow ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa Damascus và các đại diện của đông bắc Syria và kỳ vọng rằng Washington sẽ không cản trở điều này".

Tuy nhiên, các cuộc đối đầu giữa những đoàn xe cơ giới Nga và Mỹ ở đông bắc Syria không phải là dấu hiệu tốt của sự hợp tác.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jessica McNulty mới đây đã tiết lộ rằng Mỹ "không phối hợp hoặc chia sẻ tin tình báo ở Syria với Nga ở Syria" mặc dù "thỉnh thoảng nhận được thông báo về không kích của Nga nhằm vào IS ở hữu ngạn sông Euphrate".

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cho Newsweek 3 mục tiêu chính sách nhằm vào Syria: "Tiêu diệt IS và Al-Qaeda, giải pháp chính trị không thể đảo ngược cho xung đột ở Syria theo UNSCR 2254 và loại bỏ tất cả các lực lượng do Iran hỗ trợ".

Được sự đồng thuận của cả Nga và Mỹ cùng với các cường quốc khác trong HĐBA, Nghị quyết 2254 kêu gọi ngừng bắn và dàn xếp chính trị ở Syria.

Iran cũng ủng hộ nghị quyết này nhưng vai trò của họ ở bị Mỹ bác bỏ do sự thù địch của họ với Israel, nhưng lập trường của Washington đối với Moscow, một thế lực khác ủng hộ ông al-Assad thì không như vậy.

Bà Jessica McNulty cho biết thêm: "Lực lượng Nga đã ở Syria trước khi chiến tranh nổ ra vào năm 2011, và do đó, chúng tôi không ủng hộ việc loại bỏ họ".

Bản thân ông Trump hiện có một mục tiêu nằm trong tầm nhìn đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 này.

Để làm như vậy, vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đang tìm cách "tạo sự khác biệt" so với những người tiền nhiệm đã phát động các cuộc chiến kéo dài ở nước ngoài, ngay cả khi chính ông cũng nhận ra mình đang vướng phải vấn đề tương tự.

"Những kẻ ngốc đó đã làm việc này trong 30, 40 năm, và họ đang chống lại tôi. Tất cả những điều họ đã làm là buộc chặt chúng ta trong những cuộc chiến bất tận", ông Trump nhấn mạnh trong một cuộc mít tinh ở Freeland, Michigan vào ngày 11/9.

"Chúng ta đang phải chiến đấu vì cát và máu, cát và máu ở Syria. Chúng ta được gì ở đó, được cát, được máu, được người bị thương và người chết".

Báo Anh: Đồng minh khuyên Mỹ hạ mình qua cửa Nga nếu muốn thoát khỏi tử địa Syria? - Ảnh 8.

Xe bọc thép M2A2 Bradley mới được Mỹ không vận tới đông bắc Syria đã bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra cùng xe bọc thép chống mìn (MRAP).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại