Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga ra điều kiện: quân đội Mỹ nên hợp tác với Nga-Syria, còn không thì nên mau rút quân Mỹ khỏi Syria.
Công cuộc tái thiết Syria cần kinh nghiệm lịch sử của Liên Xô
Tại cuộc họp liên bộ Ngoại giao-Quốc phòng Nga hôm 25.7, trung tướng Mikhail Mizintsev, Giám đốc Trung tâm Quốc gia quản lý quốc phòng Nga, nói trong quá trình đàm phán với Syria để tái thiết nước này, điều cần thiết là dựa vào kinh nghiệm lịch sử của nước Nga sau cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Hồng quân và nhân dân Liên Xô, trong cuộc tái thiết nền kinh tế hậu Thế chiến 2.
Vị tướng khẳng định: “Quá trình tái thiết nước ta ban đầu ước tính kéo dài 15 năm, đã được giảm xuống nhiều lần. Trong chỉ 5 năm, nước ta trở thành thế lực kinh tế hạng nhì thế giới”.
Trung tướng Mizintsev cũng nói cần sử dụng kinh nghiệm hậu chiến của Nga để tái thiết Syria, đồng thời ứng dụng các giải pháp có ích của các nước khác cũng từng lâm xung đột vũ trang và nội chiến. Trên cơ sở đó, ông đề nghị liên bộ chuẩn bị tài liệu phân tích để áp dụng công tác tái thiết Syria.
Thời Thế chiến 2, sau khi bị phát xít Đức xâm chiếm năm 1941, Liên Xô giữ vai trò hàng đầu trong cuộc đánh bại quân đội của trùm phát xít Adolf Hitler và chiếm thủ đô Berlin năm 1945, kết thúc cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Xuyên suốt cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Liên Xô chịu tổn thất nặng nhất về quân-dân sự và sau đó chật vật tái thiết đất nước cũng như giúp các đồng minh ở Đông Âu, trong khi Mỹ đầu tư mạnh để gieo ảnh hưởng ở Tây Âu.
Cuộc chạy đua giữa hai thế lực Xô-Mỹ đã mở ra giai đoạn Chiến tranh lạnh kéo dài, Mỹ-Xô đều lập quan hệ chính trị-quân sự hình thành hai trục đối đầu trên toàn cầu.
Tướng Nga Mizintsev phát biểu hôm 25.7- Ảnh: Getty Images
Rất lâu sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Syria cố gắng trông chờ Nga giúp tái thiết đất nước, trước khi xảy ra vụ nổi dậy năm 2011.
Từ tháng 9.2015, Nga ủng hộ quân đội Tổng thống Bashar al-Assad chống quân nổi dậy và bọn khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và cho đến nay lực lượng Syria đã tái chiếm hầu hết các khu vực từng bị hai nhánh thù địch này chiếm giữ. Nhưng cơ sở hạ tầng đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Mỹ cũng lập liên quân, bắt đầu ném bom bọn khủng bố IS hồi năm 2014, tiếp đó cắt sự hỗ trợ cho quân nổi dậy, nhằm đạt quan hệ với liên minh Lực lượng Syia dân chủ (SDF, đa số là người Kurd).
Trong một tình hình tái diễn Thế chiến 2, các nhóm quân có Nga-Mỹ chống lưng đã đánh tan bọn IS ở nhiều khu vực, trong hai chiến dịch riêng rẽ nhưng cùng chống một kẻ thù chung.
Nhưng không như Thế chiến 2, lính Nga-Mỹ không giao lưu-sinh hoạt với nhau ở dọc chiến tuyến. Vai trò của Nga chủ yếu là không kích, yểm hộ bộ binh Syria và các nhóm bán quân sự trên bộ.
Tướng Nga nói sự hiện diện quân sự Mỹ ở Syria là phi pháp
Khi chính phủ Tổng thống Assad sắp tái thu hồi toàn vẹn lãnh thổ, Mỹ cùng các đồng minh lưỡng lự trong việc đầu tư tái thiết các khu vực dưới quyền kiểm soát của ông Assad.
Nhưng xem ra sẽ có sự thay đổi, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16.7. Tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, ông Trump tuyên bố sẵn sàng cùng Nga tạo điều kiện dễ dàng cho khâu hỗ trợ nhân đạo ở Syria.
Tuy nhiên hôm 23.7, Lầu Năm Góc thách thức tuyên bố của ông Trump - Tổng tư lệnh quân đội Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và thiếu tướng Joseph Votel nói quân đội Mỹ hiện chưa sẵn sàng phối hợp với quân đội Nga.
Tướng Votel nói Lầu Năm Góc không muốn hợp tác với Nga, vì Nga tiếp tục ủng hộ chế độ Assad.
Tuyên bố này khiến Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng chỉ trích. Người phát ngôn của Bộ, thiếu tướng Igor Konashenkov cảnh cáo việc Mỹ từ chối hợp tác với Nga-Syria đã cho thấy rõ hoạt động của quân Mỹ ở Syria là phi pháp.
Nhân công Syria phá dỡ cửa hiệu bị đổ nát vùng ngoại ô Damascus - Ảnh: Getty Images
Theo kênh truyền hình Zvezda của quân đội liên bang Nga, tướng Konashenkov nói: “Với tuyên bố này, tướng Votel không chỉ làm mất uy tín của vị chỉ huy, mà còn chỉ ra sự hiện diện quân sự Mỹ ở Syria là phi pháp, vi phạm luật Mỹ và luật quốc tế.
Không có cơ sở pháp lý nào cho hoạt động của lính Mỹ ở Syria, trước tình hình này quân đội Mỹ chỉ có duy nhất cơ hội ở lại Syria, đó là hợp tác với Nga và sự lãnh đạo hợp pháp của Nga trong tiến trình cung cấp hỗ trợ, đưa người tị nạn và người mất nhà cửa trở về nơi họ ở”.
Tướng Konashenkov còn nói nếu tướng Votel bác lời mời của Nga, thì “tốt nhất chớ nên can thiệp vào tiến trình hòa bình, và mau chóng rút quân nhân Mỹ khỏi lãnh thổ Syria”.
Tổng thống Trump cũng đã gợi ý rút quân Mỹ khỏi Syria, do cuộc chiến chống bọn IS sắp kết thúc. Nhưng các cố vấn và sĩ quan quân đội phản đối, báo động nguy cơ bọn IS có thể quay lại, cùng lúc là Mỹ muốn ngăn chặn Iran, đồng minh của ông Assad, gieo tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.
Ngày 25.7, khi giải trình trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi được hỏi về bất kỳ khả năng hợp tác Mỹ-Nga để tái thiết Syria, ông đáp “chính sách của Mỹ không có gì thay đổi” và từ chối nói chi tiết.