Xe tăng T-14 Armata là xe tăng thế hệ 3 của Nga. Nguồn: Sina.
Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga, ông Sergei Chemezov ngày 7/12 cho biết, xe tăng chiến đấu không người lái T-14 Armata của Nga sẽ không được sản xuất hàng loạt, thực chất đây sẽ là sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao trong tương lai.
Hiện nay, Nga sẽ tập trung vào sản xuất xe tăng chiến đấu đa năng T-14 Armata mới nhất, hàng loạt xe tăng này sẽ được bàn giao cho quân đội Nga từ năm 2021.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phiên bản không người lái của xe tăng T-14 có kế hoạch sản xuất hàng loạt hay không, ông Chemezov nói: "Tất nhiên là không, chúng tôi chỉ đang thử nghiệm công nghệ không người lái trên xe tăng T-14. Còn xe tăng Amata chủ yếu được sử dụng như một thiết bị có người lái".
Chemezov cũng tuyên bố rằng, sau khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào xe tăng Amata, hầu hết các thao tác của xe tăng đều có thể được tự động hóa.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Almata là loại xe tăng thế hệ thứ ba duy nhất sau chiến tranh do Nga phát triển độc lập. Nó chủ yếu được sử dụng để trực tiếp tấn công đối phương, hỗ trợ hỏa lực cho các chiến dịch tấn công của bộ binh cơ giới, phá hủy công sự và tiêu diệt địch.
Trước đó, Văn phòng thông tin của nhà máy chế tạo xe tăng Nga Uralvagonzavod (UVZ) đã tuyên bố rằng xe tăng Amata đã vượt qua thành công bài kiểm tra ở chế độ không người lái.
Theo tuyên bố của Chemezov, không có nghĩa là Nga không phát triển xe tăng không người lái, mà loại xe tăng này vẫn là chủ lực trong các “đồ chơi công nghệ” của Nga trong tương lai.
Thực tế, giới chức quân sự Nga đã phác thảo thiết kế về dòng phương tiện chiến đấu hạng nặng không người lái dựa trên khung gầm xe tăng T-14 Armata từ năm 2016. Quá trình nghiên cứu, phát triển phương tiện mới vẫn đang tiến hành ở thời điểm hiện tại.
Các thông tin liên quan tới thử nghiệm phiên bản không người lái của xe tăng T-14 Armata được công khai rất ít thông tin. Tuy nhiên, với những công nghệ không người lái đã được quân đội Nga ứng dụng trên nhiều phương tiện chiến đấu khác, xe tăng không người lái mới sẽ được điều khiển từ xa và được ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tự động hóa một phần thao tác điều khiển như: Tránh vật cản, làm khiên chắn bảo vệ đội hình bộ binh…
Phiên bản xe tăng T-14 Armata không người lái có thể hoạt động chung với các phương tiện có người lái trong một đội hình tác chiến hợp nhất. Việc không có người lái cũng giúp giá thành của xe tăng T-14 Armata biến thể mới rẻ hơn do không cần phải thiết kế buồng lái bảo vệ dành cho kíp điều khiển.
Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, thành viên Hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga nhận định, vướng mắc chính của Nga trong chế tạo xe tăng không người lái không chỉ nằm ở những rào cản công nghệ, mà còn là khả năng tích hợp và thích nghi của phương tiện chiến đấu trong môi trường chiến đấu thực tế.
Những lợi thế của xe tăng không người lái đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để phương tiện chiến đấu này có khả năng tác chiến và nhận thức tình huống chiến đấu như xe tăng được điều khiển bởi con người thực.
Xét về mặt công nghệ, việc chế tạo xe tăng không người lái hay robot tăng rất khó khăn và tốn kém. Nó không chỉ có hỏa lực mạnh, giáp dày, mà cần khả năng tự nhận biết tình huống và đưa ra quyết định không phụ thuộc vào người điều khiển trên chiến trường.
Ngoài ra, với đặc thù là phương tiện tác chiến ở tuyến đầu, nó cũng phải đảm bảo khả năng hoạt động ổn định cao, kể cả trong trường hợp bị trúng đạn. Đây vẫn là những rào cản công nghệ lớn ở thời điểm hiện tại.
Nếu xe tăng T-14 Armata chỉ đơn giản là phiên bản điều khiển từ xa, thì vấn đề là một phương tiện có khả năng cơ động cao như xe tăng, kíp điều khiển xe phải ở rất gần nó để duy trì kết nối.
Do vậy, trong tương lai, xe tăng T-14 Armata có thể là trung tâm điều khiển các xe tăng không người lái khác rẻ tiền hơn như T-72. Tuy nhiên, phương tiện chiến đấu không người lái có thể là một lựa chọn, nhưng không bao giờ có thể thay thế được yếu tố con người trên chiến trường.