Hình minh họa.
Lính Thổ ẩu đả với dân, tự gây thương tích ở Idlib
Hôm 8/12, tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh dẫn các "nguồn đáng tin cậy" cho biết rằng một cuộc ẩu đả đã nổ ra giữa người dân tại thị trấn Taftanaz, phía đông Idlib và binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại một "điểm giám sát ngừng bắn" gần đó.
Sự việc bắt đầu khi chủ nhân của một trong những ngôi nhà xung quanh căn cứ phát hiện lính Thổ đập phá đồ đạc. Khi chủ nhà cố gắng ngăn cản họ tiếp tục làm điều đó, cuộc ẩu đả đã nổ ra.
Phiến quân Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) đã nhanh chóng xuất hiện và giúp chấm dứt vụ việc.
Người biểu tình bên ngoài một cứ điểm của TAF ở MaarHatat phía nam của Maarat al-Numan (khu vực do chính phủ Syria kiểm soát) vào tháng 10/2020.
SOHR cho rằng vụ việc chứng minh sự bất bình của binh sĩ Thổ đóng quân ở tỉnh Idlib của Syria. Tất cả bắt nguồn từ việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tạm hoãn việc nghỉ phép.
Nhiều lính Thổ đã phải đóng quân ở "Idlib lớn" (khu vực tây bắc Syria do phiến quân kiểm soát) hơn 6 tháng mà không được nghỉ phép, điều này đã dẫn đến việc một số người tự gây thương tích để được trở về điều trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ chỉ huy của TAF tại tỉnh Idlib được cho là đã tiến hành điều chuyển trang thiết bị và thay thế lính đồn trú, đồng thời bố trí các đơn vị kỹ thuật hỗn hợp để tăng cường năng lực phòng thủ tại các cứ điểm ở Idlib bao gồm pháo binh, thiết giáp, bộ binh, hậu cần và phòng không.
Hình minh họa (Nguồn: SOHR).
Lực lượng Thổ đang dần bị "bao vây, cô lập"?
Ngày 20/10, một đoàn xe chở binh lính Thổ đi qua làng Iblin, gần Ariha ở Idlib sau khi rời khỏi "điểm giám sát ngừng bắn" ở thị trấn Morek cho thấy TAF đang tiến kế hoạch rút bỏ toàn bộ các cứ điểm nằm trong vùng chính phủ Syria kiểm soát. Vậy động cơ của việc rút quân này là gì?
Thoạt nhìn, việc Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi các cứ điểm nói trên có thể là để đáp ứng các yêu cầu của Nga, nhưng các hoạt động tái triển khai của TAF xung quanh cao tốc M4 sau đó nói lên rằng họ vẫn sẵn sàng cho phương án xung đột tái diễn.
Theo Trung tâm Phân tích và Nghiên cứu Hoạt động (COAR) có trụ sở tại Đảo Síp, việc TAF rút khỏi các cứ điểm nằm sâu trong vùng Damascus kiểm soát do chúng trở thành điểm yếu, là mục tiêu cho các cuộc biểu tình hoặc đụng độ với dân thường được cho là do "dàn dựng".
Vào năm 2018, tổ chức Crisis Group cho rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát vô thời hạn bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà lực lượng của họ chiếm được (ở Syria) trong bối cảnh hiện tại, nhưng gánh nặng mà nước này phải mang để hỗ trợ việc quản trị địa phương sẽ chỉ ngày càng tăng".
Có thể thấy những vụ việc tương tự như đã xảy ra hôm 8/12 ở Taftanaz hoàn toàn có thể tái diễn ở bất cứ nơi nào có cứ điểm của TAF tại miền bắc Syria. Theo thời gian chúng sẽ trở thành vấn đề lớn và làm "đau đầu" Ankara.
Vào ngày 7/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn cho việc gia hạn các hoạt động quân sự xuyên biên giới của TAF thêm 1 năm, điều này chứng minh rằng Ankara vẫn tiếp tục theo đuổi việc tạo ra một "vành đai an ninh" sâu 40 km ở miền bắc Syria cho tới ít nhất là tháng 10/2021.
Bản đồ cho thấy vị trí các cứ điểm của TAF tại "Idlib lớn".