Đòn tấn công quân sự bất ngờ vào Trân Châu Cảng
Vào lúc 7:48 sáng ngày 7/12/1941, 183 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom bổ nhào và máy bay phóng ngư lôi của Nhật Bản đã đồng loạt oanh tạc căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii. Bom và ngư lôi từ những phương tiện này ồ ạt đánh phá sân bay và tàu chiến Mỹ gây nên một sức tàn phá hủy diệt.
Hơn một giờ sau đó, đợt tấn công thứ hai của 167 máy bay chiến đấu tiếp tục diễn ra với sức phá hủy còn khủng khiếp hơn trước khi chúng quay trở về 6 hàng không mẫu hạm của Nhật Bản đang neo đậu ngoài khơi bờ biển Hawaii khoảng 240 dặm.
Vào thời điểm khói tan, thiệt hại đã rõ ràng. Dù mất 29 máy bay và 5 tàu ngầm mini nhưng quân Nhật đã đánh chìm hoặc làm hư hỏng nặng tất cả 8 thiết giáp hạm của Hạm đội Thái Bình Dương. Ba tuần dương hạm, 3 khu trục hạm và một số tàu khác bị hư hỏng nặng.
Tổng cộng đã có 188 máy bay Mỹ bị phá hủy và 157 chiếc khác bị hư hại. Cuộc tấn công khiến 2.335 lính Mỹ thiệt mạng và 1.143 người khác bị thương, ngoài ra còn có 68 dân thường thiệt mạng và 34 người bị thương. Nhật Bản mất 129 quân nhân và một thủy thủ đoàn tàu ngầm bị bắt.
Trân Châu Cảng là trận đánh giáng một đòn mạnh mẽ vào niềm tự hào của Hải quân Mỹ. Nhưng Hải quân Mỹ không phải đã mất tất cả. May mắn, cả ba tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương khi đó đang thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn sống sót sau cuộc tấn công.
Chiến hạm Row nhìn từ máy bay Nhật khi bắt đầu cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Ảnh: US Navy
Ba tàu sân bay Mỹ may mắn thoát khỏi đòn hủy diệt của Nhật Bản
Dù cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng là sự kiện hoàn toàn bất ngờ nhưng từ lâu Mỹ đã tin rằng chiến tranh với Nhật Bản là một khả năng thực tế. Các hành động của Nhật Bản ở Trung Quốc và Đông Nam Á đã gây ra phản ứng ngoại giao dữ dội. Mỹ đã đặt lệnh cấm vận đối với Nhật Bản đồng thời đóng băng tài sản của nước này.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng tích cực chuẩn bị cho các hành động quân sự. Hạm đội Thái Bình Dương chuyển từ căn cứ ban đầu ở San Diego đến Trân Châu Cảng vào tháng 4/1940 để Mỹ củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ cho các vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương.
Những thông điệp chính thức được gửi tới các chỉ huy Quân đội Mỹ ở Trân Châu Cảng ngày 27/11 nêu rõ "công văn này được coi là một lời cảnh báo về chiến tranh" và "một động thái gây hấn của Nhật Bản dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới".
Thời điểm đó, Hải quân có 7 tàu sân bay đang phục vụ. Bốn chiếc, gồm Ranger, Yorktown, Hornet và Wasp đóng ở Bờ Đông, sẵn sàng đối phó với các tàu U-boat của Đức. Ba tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương, gồm Enterprise, Lexington và Saratoga được sử dụng để tăng cường lực lượng cho mặt trận Thái Bình Dương.
Tàu sân bay USS Enterprise (CV-6) của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương vào cuối tháng 6/1941. Ảnh: US Navy
Enterprise là tàu sân bay Mỹ ở gần Trân Châu Cảng nhất vào ngày 7/12 và thực sự đã góp công cho kế hoạch phòng thủ này.
Enterprise rời Trân Châu Cảng vào ngày 28/11 cùng với 3 tàu tuần dương hạng nặng và 9 tàu khu trục để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển 12 máy bay chiến đấu F4F-3 Wildcat của Thủy quân lục chiến đến Đảo Wake. Tàu hoàn thành nhiệm vụ vào ngày 4/12 và đang trên đường quay trở lại Trân Châu Cảng, dự kiến cập cảng ngày 6/12 nhưng do thời tiết xấu nên phải hoãn lại.
Vào buổi sáng của cuộc tấn công, Enterprise đang ở cách phía tây Oahu khoảng 215 dặm. Tàu đã chở theo 18 máy bay ném bom bổ nhào SBD Dauntless đi tuần tra khi trên đường đến Trân Châu Cảng. Theo kế hoạch, những máy bay này sẽ hạ cánh xuống Hawaii trước khi tàu sân bay đến, nhưng hoàn toàn trùng hợp, chúng đã đụng phải làn sóng tấn công đầu tiên của Nhật Bản.
Các máy bay ném bom bổ nhào đã ngay lập tức tham chiến. 7 chiếc đã bị quân Nhật bắn hạ hoặc bị bắn nhầm cùng với 8 phi công và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Ít nhất một chiếc Zero bị bắn rơi bởi một trong những máy bay của Enterprise.
Sau cuộc tập kích, Enterprise được lệnh đưa một lực lượng tấn công tới để tiêu diệt các tàu sân bay Nhật Bản mà Hải quân Mỹ lúc đó tin rằng chúng đang ở phía nam Oahu.
Không thể tìm thấy các tàu sân bay, các máy bay ném bom bổ nhào quay trở lại Enterprise còn những chiếc tiêm kích khác bay đến Trân Châu Cảng, tại đây một số đã bị bắn nhầm.
USS Lexington rời San Diego vào ngày 14/10/1941. Ảnh: US Navy
Giống như Enterprise, khi trận chiến xảy ra, tàu sân bay Lexington đang đưa máy bay đến một căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Lexington được hộ tống bởi 3 tàu tuần dương hạng nặng và 5 tàu khu trục lên đường tới Midway vào ngày 5/12 để vận chuyển 18 máy bay ném bom bổ nhào SB2U Vindicator của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Vào buổi sáng diễn ra cuộc tấn công, Lexington cách Midway khoảng 500 dặm về phía Đông nhưng đã nhận được lệnh quay trở lại nếu chiến sự ập đến.
Lexington sau đó được lệnh tìm kiếm hạm đội Nhật Bản ở phía tây nam Hawaii. Không thể tìm thấy quân Nhật và sắp hết nhiên liệu, Lexington quay trở lại Trân Châu Cảng, đến nơi vào ngày 13/12.
Trong khi đó, tàu sân bay Saratoga đã ở San Diego vào ngày tấn công bởi nó vừa mới trở về từ Xưởng Puget Sound để tái trang bị trong thời gian kéo dài 8 tháng.
Saratoga ở San Diego để tiếp nhận không đoàn của mình, lực lượng trước đó được huấn luyện ở Nam California khi Saratoga tái trang bị. Saratoga dự kiến cũng sẽ vận chuyển một phi đội của Thủy quân lục chiến cùng các máy bay khác tới Trân Châu Cảng.
Một ngày sau cuộc tấn công, Saratoga được lệnh lên đường đến Trân Châu Cảng và cập bên vào ngày 15/12.
Người Nhật biết rằng các tàu sân bay Mỹ đã không ở Trân Châu Cảng. Sau khi bàn luận, họ cho rằng quyết định tiêu diệt toàn bộ 8 chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, phương tiện vẫn được coi là vũ khí thống lĩnh hải quân vào thời điểm đó, là cơ hội không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Thái Bình Dương sau này cho thấy rằng tàu sân bay mới là vua của các vùng biển. Các tàu sân bay Mỹ luôn đóng vai trò quyết định trong các trận đánh ở Biển San Hô và Midway. Chúng cũng đã chứng tỏ là nhân tố quyết định trong các trận hải chiến quan trọng nhất.