"Washington đã công khai tuyên bố kế hoạch rút khỏi hiệp ước (các lực lượng hạt nhân tầm trung) vào tháng 10. Thông qua các kênh cấp cao song phương, chúng tôi đã xác nhận rằng quyết định này là quyết định cuối cùng và không phải là một nỗ lực để bắt đầu đối thoại" - Thứ trưởng Ngoại giao Serge Serge Ryabkov chia sẻ với tờ Kommersant.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho hay, Mátxcơva sẽ đáp trả trước nguy cơ có những nỗ lực để đặt tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm ngắn hoặc tầm trung ở Châu Âu nếu Mỹ quyết định tiếp tục với kế hoạch này.
"Chúng tôi buộc phải đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả. Tôi muốn cảnh báo chống lại tình trạng hướng tới một "cuộc khủng hoảng tên lửa" mới" - ông nói.
Ông nhấn mạnh: "Nga không đe dọa bất cứ ai, nhưng có sức mạnh và phương tiện cần thiết để chống lại bất kỳ kẻ gây hấn nào".
Hồi tháng 10, Tổng thống Donald Trump cảnh báo, Mỹ đang lên kế hoạch đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với cáo buộc Nga không tuân thủ thỏa thuận.
Đầu tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Washington sẽ ngừng nghĩa vụ của nước này theo hiệp ước INF trong vòng 60 ngày nếu Nga không tuân thủ trở lại.
Theo Thứ trưởng ngoại giao Nga, Washington không giấu giếm sự thật rằng, việc rút khỏi hiệp ước INF "không nghiêng nhiều về những vấn đề giữa Mỹ và Nga mà thiên về mong muốn của Mỹ nhằm thoát khỏi mọi ràng buộc gây bất tiện cho họ".
Phía Mỹ cho rằng thỏa thuận INF đã "giới hạn đáng kể khả năng của quân đội Mỹ nhằm chống lại các quốc gia khác với kho vũ khí tên lửa đất đối không tầm trung và tầm ngắn" điều bị xem là "đe dọa lợi ích của Mỹ", Thứ trưởng Ryabkov lập luận.
Ông cho biết, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã được Washington đề cập cụ thể.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang nói về một cuộc khủng hoảng tên lửa mới, nhưng cho đến nay, các kế hoạch của Mỹ vẫn chưa rõ ràng" - chuyên gia quân sự nghỉ hưu Mikhail Khodarenok cho hay.
Ông cảnh báo rằng sẽ chưa có việc triển khai tên lửa Mỹ ở Châu Âu ngay nhưng Nga nên sẵn sàng đối mặt với kịch bản Mỹ sẽ tìm cách hủy bỏ thỏa thuận khác với Nga.
Cựu quan chức của Lầu Năm Góc Michael Malagger chia sẻ với RT rằng, những người trong đội ngũ hoạch định chính sách đối ngoại của ông Donald Trump không thích các hiệp ước cắt giảm vũ khí.