Tên lửa Avangard có khả năng mang theo cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân.. (Ảnh: RIA)
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga, hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard của Nga có đầu đạn hạt nhân nên phải tuân theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3).
Mới đây, phát biểu tại Duma Quốc gia Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết tên lửa Avangard, một trong những hệ thống mang vũ khí hạt nhân mới nhất và tiên tiến nhất đồng thời cũng là đối tượng của START-3 do Washington và Moscow ký năm 2010.
“Các quy tắc xác định theo START-3, tất nhiên sẽ áp dụng cho đầu đạn loại mới này, nếu được phê chuẩn và việc gia hạn 5 năm diễn ra”, ông Ryabkov cho biết.
Trong cuộc điện đàm vào đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý gia hạn 5 năm Hiệp ước START-3 trước ngày 5/2. Hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ bày tỏ hài lòng với việc hai bên đã có trao đổi công hàm về việc đạt được nhất trí gia hạn Hiệp ước START-3.
Theo đó, trong những ngày tới, hai bên sẽ hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết để đảm bảo hoạt động tốt hơn nữa đối với cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng trong việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên.
Hôm 27/1, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua việc gia hạn Hiệp ước START-3, động thái hướng đến duy trì thỏa thuận lớn cuối cùng theo kiểu này giữa Nga và Mỹ.
Avangard được coi là một thiết bị lượn siêu vượt âm, nằm trong thành phần cấu thành của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) chiến lược, được Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên công bố vào năm 2018 trong bài phát biểu thường niên.
Không giống như các đầu đạn bay theo đạn đạo truyền thống, Avangard được tên lửa đẩy mang lên độ cao 1.500 km và sử dụng thế năng để lượn theo quỹ đạo bất đẳng với vận tốc gấp 20 lần tốc độ âm thanh (Mach 20). Điều này đạt được là nhờ công nghệ vật liệu chịu nhiệt và ổn định khí động cực kỳ phức tạp.
Do quỹ đạo bay thấp, tốc độ lớn và khả năng cơ động khi bay, Avangard là một vũ khí mạnh hơn các hệ thống phi hạt nhân khác. Nó có khả năng xuyên thủng cả những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất.
Đại diện Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, Avangard sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực răn đe hạt nhân của đất nước; mở ra bước phát triển mới của lực lượng Tên lửa chiến lược (SMF) trước các thách thức trong tương lai.
Theo National Interest, trước đây việc phân loại Avangard nằm trong Hiệp ước START-3 là khá rõ ràng. Tên lửa Avangard đã được quy định trong hiệp ước và bản thân hệ thống này theo các điều khoản của START-3 đáp ứng các tiêu chí cho một đầu đạn tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Điện Kremlin đã nghi ngờ khả năng của việc đưa vào các vũ khí mới nhất của họ, chẳng hạn như máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22M3M, cũng nằm trong START-3.
Quy định xác minh tuân thủ START-3 yêu cầu Điện Kremlin thông báo cho Mỹ mỗi khi nước này di chuyển, triển khai và kiểm tra các khối Avangard. Ngoài ra, có các cơ chế theo dõi vệ tinh và kiểm tra hàng năm đối với các loại vũ khí theo hiệp ước. Vào cuối năm 2019, một nhóm chuyên gia từ Mỹ đã được trao cơ hội để kiểm tra hệ thống tên lửa Avangard theo Hiệp ước START-3.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở bình đẳng”, ông Ryabkov kết luận.
Khi nói về triển vọng ký kết các thỏa thuận mới giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, ông Ryabkov cho rằng:
“Đây là sự phản ánh đường lối có trách nhiệm của Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí. Điều cần thiết là hiệp ước được gia hạn trong thời hạn 5 năm mà không có điều kiện bổ sung. Chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng thời gian này để khởi động các cuộc đàm phán chuyên sâu về tương lai của việc kiểm soát vũ khí”.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Thỏa thuận quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân để sau 7 năm kể từ khi ký kết hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn, 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.