Tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra trong một bài phát biểu về chủ đề xây dựng quân đội hôm 12/1.
"Việc răn đe nhằm kiềm chế sự căng thẳng quốc tế hoàn toàn có thể được thực hiện qua việc sử dụng vũ khí chính xác thay vì vũ khí hạt nhân", ông Sergei Shoigu cho biết.
Nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân có thể dần trở thành kiểu chiến tranh phi hạt nhân và Nga đang làm mọi cách để tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng quân đội phi hạt nhận lên 4 lần vào năm 2021, Bộ trưởng Nga tuyên bố.
Nỗ lực tăng cường vũ khí chính xác cao của Nga được công khai sau khi Thủ tướng Nga, ông Medvedev thừa nhận rằng, Moskva đang thua một số nước về vũ khí chính xác cao nên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân mà duy trì song song 2 loại vũ khí này.
"Nga sẽ không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình cho đến khi phát triển được những loại vũ khí thông thường có sức mạnh hủy diệt tương đương vũ khí hạt nhân", ông Medvedev trả lời câu hỏi của truyền thông nước ngoài hồi cuối năm 2016 về việc Nga có cắt giảm vũ khí hạt nhân hay không khi theo đuổi chương trình vũ khí chính xác cao.
"Các đối tác nước ngoài đang vượt lên trên chúng ta trong một số lĩnh vực, đặc biệt là vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao", Thủ tướng Nga cho biết.
Những đầu đạn thông thường hiện đại sở hữu các đặc điểm hiệu quả, chính xác có thể tạo ra sức mạnh hủy diệt không thua kém gì vũ khí hạt nhân, ông Medvedev cho biết. Vì thế, theo lời ông này, Nga sẽ chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân khi có được những hệ thống vũ khí như trên. Và điều này sẽ không xảy ra sớm.
Hơn nữa, Nga sẽ không đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân bởi bất kỳ hoạt động giải trừ nào cũng cần phải được tiến hành một cách toàn diện, rộng khắp trên thế giới, ông Medvedev nói thêm.
Tất cả các cường quốc hạt nhân nên tham gia vào tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi không thể cứ mãi giải trừ vũ khí hạt nhân trong khi các cường quốc hạt nhân khác lại tiếp tục vũ trang cho họ thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Sẽ không bao giờ có chuyện đó", Thủ tướng Nga nhấn mạnh.
Ông Medvedev cam kết sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả với Washington trong các nỗ lực ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nga và Mỹ hiện là hai cường quốc mạnh nhất thế giới về vũ khí hạt nhân.
Năm 2010, hai nước này đã ký kết Hiệp ước START mới. Hiệp ước có hiệu lực từ đầu năm 2011 đã quy định, số đầu đạn hạt nhân được triển khai của hai siêu cường hạt nhân Nga, Mỹ sẽ phải cắt giảm xuống còn 1.550 đơn vị mỗi bên, tương đương với mức giảm khoảng 30%.
START mới giới hạn số bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng mang theo vũ khí hạt nhân của Nga, Mỹ xuống còn 800 đơn vị mỗi bên.
Trong khi đó, số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm và máy bay ném bom mang theo vũ khí hạt nhân được hạn chế ở con số 700. Điều này có nghĩa là kho vũ khí khổng lồ của Nga và Mỹ sẽ được cắt giảm đáng kể.