Ukraine cho biết Nga đã "mất 2 phi đội siêu tiêm kích Su-35 mới nhất". Ảnh: Ukrayinska Pravda
Theo Reuters, thông tin trên do Bộ Quốc phòng Nga công bố. Hệ thống radar AN/MPQ-64 do Mỹ sản xuất với mục đích cảnh giới, phát hiện, bám sát và đo tọa độ các mục tiêu trên không, sau đó cung cấp mục tiêu cho các phương tiện đánh chặn.
Trong cuộc họp giao ban cùng ngày 12-8, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết họ đã bắn hạ 2 tên lửa thuộc hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất.
HIMARS gắn trên hệ thống bánh lốp, là 1 trong 2 phiên bản của hệ thống pháo phản lực có thể bắn cùng loại tên lửa. Tùy thuộc vào loại đạn được sử dụng, chúng có thể có tầm bắn lên tới 500 km.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksii Hromov ngày 11-8 cho biết Nga đã "mất 2 phi đội siêu tiêm kích Su-35 mới nhất ở Ukraine", bao gồm khoảng 24 máy bay.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở trung tâm truyền thông của hãng tin Ukrinform, ông Hromov nói lực lượng Không quân Ukraine đã tiêu diệt 27 mục tiêu trên không hồi tuần trước.
Cũng theo ông Hromov, Nga được cho là đang cân nhắc sử dụng loại máy bay ném bom Su-24M vốn bị loại khỏi các nhiệm vụ chiến đấu trong giai đoạn 2005-2018.
Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho hay Nga đã cung cấp siêu tiêm kích Su-35 cho Trung Quốc nhưng một số máy bay dường như "hoạt động không hiệu quả".
Trước đó, lực lượng Không quân Ukraine ngày 10-8 tiết lộ 9 chiến đấu cơ của Nga đã bị phá hủy trong các vụ nổ lớn tại căn cứ không quân Saki ở bán đảo Crimea.
Nga từng sử dụng căn cứ không quân Saki làm nơi cất cánh cho chiến đấu cơ tấn công các khu vực phía Nam Ukraine. Mạng xã hội Ukraine xôn xao với suy đoán rằng tên lửa tầm xa do Ukraine khai hỏa đã bắn trúng căn cứ này.
Tuy nhiên, theo AP, Nga khẳng định không có bất kỳ máy bay nào của họ bị hư hại trong các vụ nổ ngày 9-8 cũng như không có cuộc tấn công nào diễn ra. Moscow cho biết "đạn dược tại căn cứ không quân Saki đã bốc cháy và nổ tung".