Ảnh minh họa
Tuyên bố bất ngờ của Bộ Quốc phòng Nga ở Syria!
Chuyên gia David Cenciotti cây viết trên Tạp chí Business Insider đã có bài viết bình luận về một sự kiện tin đồn từng khiến thế giới dậy sóng.
Theo đó, các kênh truyền thông Nga đưa tin cho biết một chiếc tiêm kích tàng hình F-22 Raptor (Chim ăn thịt) của Không quân Mỹ khi đang "quấy rầy" 2 máy bay cường kích Su-25 thì đã bị "truy sát" bởi một tiêm kích Su-35 Nga.
Tuy nhiên, dường như tình huống này thật khó tin và phía Mỹ đã phủ nhận sự việc. Nhưng nếu điều đó là có thực, thì đây sẽ là lần đầu tiên tiêm kích Su-35 Nga và F-22 Mỹ "chính thức" giáp mặt nhau trên không phận Syria.
Một số kênh truyền thông Nga cho biết vụ việc xảy ra vào ngày 23 tháng 11 năm 2017, liên quan tới 1 chiếc tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ và một số chiến đấu cơ Nga trên không Syria ở phía Tây sông Euphrates.
Một số thông tin chi tiết về lần đối đầu được cho là gay cấn này khi đó đã được hé lộ bởi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov (năm 2022 ông đã được thăng quân hàm Trung tướng), mô tả tình huống trên kênh RT:
"Đây lại là một ví dụ mới nhất về việc các nỗ lực của chiến đấu cơ Mỹ nhằm ngăn chặn các lực lượng Nga tấn công truy quét tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS/ISIS)".
Theo kênh truyền thông này, một tiêm kích Su-35 Nga đã được lệnh cất cánh sau khi "Chim ăn thịt" F-22 Mỹ định đánh chặn 2 chiếc Su-25 khi đó đang ném bom một mục tiêu của IS.
Trong khi đó hãng tin Sputnik Nga cũng tường thuật lại diễn biến gần tương tự:
"Một chiếc tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ đang chủ động ngăn chặn cặp máy bay cường kích Su-25 Nga khi chúng đang thực hiện một nhiệm vụ chiến đấu phá hủy cứ điểm của khủng bố IS (hay còn gọi là Daesh) ở ngoại vi thành phố Mayadin trên vùng trời phía Tây sông Euphrates vào ngày 23 tháng 11 năm 2017.
Chiếc F-22 Mỹ đã bắn mỗi bẫy nhiệt và cơ động mạnh, dường như sẵn sàng ở tư thế không chiến".
Cùng lúc đó, Tướng Igor Konashenkov, nhấn mạnh rằng "sau khi có sự xuất hiện của một chiếc tiêm kích Su-35S của Nga thì chiến đấu cơ Mỹ lập tức ngừng ngay tư thế tiếp cận nguy hiểm và nhanh chóng cơ động thoát thân về bên trong không phận Iraq".
Một chiếc tiêm kích tàng hình F-22. Ảnh: Ben Bloker/Quân đội Mỹ
Su-35 Nga "truy sát" F-22 Mỹ: Chuyện khó tin!
Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga khẳng định tình huống kịch tính như trên, tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia David Cenciotti, có quá nhiều điều chưa thể giải thích khiến cho câu chuyện trở nên thực sự khó tin và gây tranh cãi sôi sục trên cộng đồng mạng:
- Không thể hiểu nổi tại sao tiêm kích F-22 lại hoạt động đơn lẻ, bởi bình thường bao giờ cũng bay theo biên đội ít nhất 2 chiếc, nhiều khả năng là sẽ có một chiếc "chim ăn thịt" nữa hoạt động gần đó;
- Tại sao máy bay tiêm kích tàng hình F-22 lại thả mồi bẫy nhiệt và thực hiện cơ động mạnh mà không liên lạc bằng tín hiệu radio, phải chăng phi công Mỹ cố gắng khiến các phi công Nga phải chú ý bằng cách sử dụng tín hiệu không bình thường?
- F-22 đang thực hiện nhiệm vụ "khoe cơ bắp"?
- Chỉ lệnh giao chiến ở không phận Syria là gì?
- Liệu có máy bay nào của liên quân đang hoạt động gần đó hay không? Ở đâu? Chúng có tham gia vào vụ việc hay không?
- Làm cách nào mà một chiếc Su-35 cất cánh từ căn cứ sân bay Khmeimim lại có thể truy đuổi F-22? Phải chăng nó kịp đến đúng lúc để khiến F-22 rời đi?
Tạp chí Business Insider cập nhật tình hình cho biết đã họ nhận được một email từ Lực lượng đặc nhiệm chung thuộc Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ trong đó nêu rõ về vụ việc đang được đồn thổi và phủ nhận những tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.
Tiêm kích Su-35 Nga đối đầu với F-22. Ảnh minh họa
Cụ thể:
"Không có bất cứ chút thực tế nào trong tuyên bố này. Theo nhật ký bay của chúng tôi vào ngày 23 tháng 11 năm 2017, rõ ràng không hề có vụ chạm trán nào hay có bất cứ sự việc nào tương tự nơi máy bay liên quân vượt qua bên kia sông mà không thông báo trước cho phía Nga thông qua đường dây nóng giảm căng thẳng đã được thiết lập.
Cần nhấn mạnh rằng, vào ngày 23 tháng 11 năm 2017, các chiến đấu cơ Nga đã vượt sang bờ đông sông Euphrates tới 9 lần, vào không phận do liên quân quản lý mà không thông báo trước.
Hành động thiếu chuyên nghiệp và bất ngờ này đặt các tổ bay Nga và liên quân vào tình huống rủi ro cũng như cản trở khả năng của liên quân trong việc hỗ trợ các lực lượng mặt đất của chúng tôi trong khu vực.
Bất cứ cáo buộc nào cho rằng Liên quân bảo vệ khủng bố IS hay là ngăn cản một vụ tấn công nhằm vào chúng là không đúng sự thực. Chúng tôi tấn công mãnh liệt mỗi khi phát hiện khủng bố. Điều chúng tôi có thể nói với các bạn là chúng tôi chủ động giảm căng thẳng trên không phận Syria với phía Nga nhằm đảm bảo quét sạch IS trong khu vực.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác SDF của mình, và chúng tôi tiếp tục ngăn ngừa xung đột với Nga để tiến hành các hoạt động tấn công những mục tiêu khủng bố IS ở Syria trong tương lai".
Vụ tranh cãi nói trên nhắc chúng ta nhớ lại một tình huống đã xảy ra hôm 18 tháng 06 năm 2017, khi một tiêm kích hạm F/A-18E Super Hornet thuộc phi đội VFA-87 "Golden Warriors" đã bắn hạ 1 chiếc Su-22 của Không quân Syria ở gần thị trấn Resafa (40 km cách Raqqa về phía Tây Nam).
Dù vậy, nếu tình huống mà Bộ Quốc phòng Nga thông báo thực sự xảy ra thì đúng là lần đầu tiên F-22 Mỹ và Su-35 Nga đối đầu chính thức ở Syria. Theo các chuyên gia quân sự, mặc dù không tàng hình nhưng nhờ radar cực mạnh cùng hệ thống quang điện tử tối tân, Su-35 có thể phát hiện ra máy bay tàng hình kiểu như F-35 ở cự ly tới hơn 90km.
Tiêm kích Su-35 của Nga
Su-35 tiêm kích thế hệ 4 mạnh bậc nhất thế giới
Su-35 do Phòng thiết kế Sukhoi chế tạo trên cơ sở tiêm kích hạng nặng Su-27. Việc sản xuất máy được triển khai tại nhà máy hàng không mang tên Y.A. Gagarin ở Komsomolsk-on-Amur.
Xét về đặc điểm, Su-35 là thế hệ máy bay 4 , song có nhiều tính năng gần giống với máy bay thế hệ thứ 5. Điểm khác biệt cơ bản của máy bay này là ở hình dáng của thân sau, diện tích bánh lái tăng lên và cánh dày hơn, có thể đặt thêm 2 điểm treo đạn.
Trọng lượng cất cánh tối đa của Su-35 là 34,5 tấn. Phạm vi bay thực tế khi không cần tiếp nhiên liệu là 3.600 km. Máy bay có thể được sử dụng để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu, bao gồm các mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không, hay vị trí nằm cách xa từ căn cứ.
Ngoài đạn chống radar và tên lửa không đối không, Su-35 có khả năng ném bom và sử dụng vũ khí dẫn đường không đối đất và đạn không điều khiển thuộc dòng S-8, S-13, S-25. Khả năng thực chiến của Su-35 đã được chứng minh trên chiến trường Syria.
Theo báo cáo của nhà phát triển, Su-35 nổi bật nhờ hiệu quả cao trong không chiến tầm xa, với tầm bao quát rộng, theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu, cũng như trang bị hệ thống radar và quang điện tử hiện đại.
Su-35 được trang bị radar mảng pha Irbis-E, bảo đảm phát hiện và khóa các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 200 km, còn trong các điều kiện thông thường lên đến 350-400 km.
Hệ thống điều khiển kỹ thuật số của Su-35 cung cấp khả năng hoạt động trên không cho một nhóm tác chiến lên đến 16 máy bay. Tất cả các máy bay chiến đấu này đều có thể trao đổi dữ liệu ở chế độ tự động và phân phối mục tiêu.
Su-35 sử dụng 2 động cơ AL-41F-1S. Sản phẩm này là sự phát triển thêm của động cơ AL-31F lắp trên Su-27. Nó vượt trội hơn người tiền nhiệm về lực đẩy đốt sau và không đốt sau, có tuổi thọ gấp đôi.