Một binh sĩ Ukraine trên chiến tuyến gần làng Travneve ở Donetsk .ẢNH: Reuters
Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các vùng lãnh thổ ly khai mới được Nga công nhận ở miền Đông Ukraine và cảnh báo sẽ sẵn sàng làm nhiều hơn nữa nếu cần thiết.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay Đức, Pháp và Mỹ đã đồng ý đáp trả động thái của Nga nhưng không tiết lộ biện pháp trừng phạt. Người phát ngôn này cho biết ông Scholz đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau tuyên bố của Tổng thống Putin.
Người phát ngôn của ông Scholz cho biết: "Các bên đã thống nhất quyết tâm không giảm bớt cam kết đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người thúc giục dàn xếp thượng đỉnh Nga - Mỹ trước đó cùng ngày, đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt có mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow.
Thông báo từ văn phòng của ông Macron cho hay: "Ông ấy đang yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như việc thông qua các biện pháp trừng phạt có mục tiêu của châu Âu".
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết quyết định của Nga là vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine và không phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên án quyết định của ông Putin là “hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Ông Johnson nói thêm một “gói trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa” sẽ được kích hoạt cho kịch bản Nga tấn công Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ mô tả việc Nga công nhận các khu vực ly khai là “không thể chấp nhận được” gọi đây là hành động vi phạm các thỏa thuận quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Quyết định của Nga công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk vi phạm rõ ràng không chỉ các thỏa thuận Minsk, mà còn cả sự thống nhất chính trị, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi nhận thấy quyết định của Nga là không thể chấp nhận được và phản đối điều đó”.
Báo Yomiuri hôm 22-2 đưa tin chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc cùng Mỹ và các đồng minh áp đặt biện pháp trừng phạt chống lại Nga, chẳng hạn như ngừng xuất khẩu chất bán dẫn nếu nước này tấn công Ukraine. Nhật Bản cũng đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga.
Người dân ở Đông Ukraine xem bài phát biểu của Tổng thống Putin hôm 21-2. Ảnh: AP
Phản ứng tương tự, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết Úc sẽ cùng các đồng minh về các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Morrison nói trong một cuộc họp báo rằng Nga nên rút quân vô điều kiện và ngừng đe dọa các nước láng giềng. Theo ông Morrison, một số ý kiến cho rằng động thái của Nga đang gìn giữ hòa bình là vô nghĩa.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết quyết định của ông Putin tiếp tục làm xói mòn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, phá huỷ các nỗ lực hướng tới giải quyết xung đột và vi phạm các Thỏa thuận Minsk mà Nga là một bên ký kết.
Hai lãnh đạo cao nhất của EU Ursula von der Leyen và Charles Michel lên án động thái của ông Putin là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh EU và các đối tác sẽ phản ứng thống nhất, cứng rắn và quyết tâm đoàn kết với Ukraine.
Sẽ không có thượng đỉnh Nga - Mỹ?
Một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ hôm 21-2 cho rằng sẽ không có hội nghị thượng đỉnh nào giữa Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi xuất hiện thông tin tình báo và dấu hiệu cho thấy Nga có khả năng sẽ thực hiện các hành động quân sự ở nước láng giềng Ukraine.
Quan chức này cho hay dựa trên tất cả những gì Mỹ nhận thấy trên thực địa ở các khu vực xung quanh Ukraine ở phía Bắc, phía Đông, phía Nam là Nga đang tiếp tục chuẩn bị cho các hành động quân sự có thể diễn ra trong thời gian tới, vài giờ hoặc vài ngày tới.
Quan chức này nói thêm rằng chính quyền Mỹ không thể cam kết tiến hành cuộc họp khi Nga có hành động quân sự. Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden đã đồng ý về cuộc gặp có điều kiện với ông Putin miễn là Nga không tấn công Ukraine.