Nga né tránh câu hỏi về nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở Ukraine

Minh Đức |

Các chuyên gia đã đặt ra nghi vấn về việc liệu Tổng thống Nga Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không nếu cuộc chiến ở Ukraine không thuận lợi đối với ông.

Hình ảnh trích từ một đoạn video cho thấy một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được Quân đội Nga phóng thử tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga, ngày 20/4/2022. Ảnh: CGTN

Hình ảnh trích từ một đoạn video cho thấy một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được Quân đội Nga phóng thử tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga, ngày 20/4/2022. Ảnh: CGTN

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng cuộc xung đột hiện tại với Ukraine sẽ không cản trở Nga và Mỹ đi tới bất kỳ thỏa thuận nào nhằm hạn chế một cuộc chạy đua vũ trang, Newsweek đưa tin.

Theo Newsweek, mặc dù vậy, ông Peskov đã né tránh trả lời câu hỏi về việc liệu chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra hay không.

Ông Peskov, cũng như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trước đây đã nói rằng chỉ vũ khí thông thường sẽ được sử dụng ở Ukraine, mặc dù truyền hình nhà nước Nga đã nhiều lần nói về viễn cảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Nhưng hôm 16/6, ông Peskov đã lảng tránh câu hỏi về viễn cảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ông nói với hãng thông tấn Nga RIA Novosti: "Tôi tin rằng giới truyền thông nên đủ chuyên nghiệp để không đưa ra những câu hỏi như vậy, và những người đang được phỏng vấn nên đủ khôn ngoan để không trả lời những câu hỏi như vậy".

Nỗi ám ảnh vũ khí hạt nhân đã bao trùm cuộc xung đột ở Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân của mình ở trạng thái cảnh giác cao hơn vào ngày 27/2, 3 ngày sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hồi tháng 4, Nga đã thực hiện vụ thử thành công đầu tiên đối với “sát thủ” Sarmat, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà ông Putin cho biết sẽ khiến các đối thủ phải “suy nghĩ kỹ lại”.

Các chuyên gia đã đặt ra nghi vấn về việc liệu ông Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không nếu cuộc chiến ở Ukraine không thuận lợi đối với ông.

Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Daryl Kimball, nói với Newsweek hồi tháng 4, rằng cuộc chiến ở Ukraine có nghĩa là nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng vẫn “cao hơn so với thời kỳ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.

Hiệp ước New START

Ông Peskov cũng nói rằng điều cấp bách là Nga và Mỹ phải nối lại đàm phán về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), trong đó hạn chế các đầu đạn chiến lược và bệ phóng ở 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới và cho phép họ kiểm tra kho dự trữ của nhau.

"Đây là một chủ đề không thể tránh khỏi. Tất nhiên, quý vị có thể cố tình lờ đi chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng Nga và Mỹ phải thảo luận về chủ đề này (đàm phán về hiệp ước trên)", ông Peskov nói.

"Cuộc thảo luận này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nhân dân 2 nước chúng ta, mà còn đối với toàn thế giới, đối với an ninh toàn cầu", người phát ngôn Điện Kremlin nói với RIA Novosti nhân kỷ niệm 1 năm hội nghị thượng đỉnh ở Geneva giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Joe Biden. "Các cuộc thảo luận lẽ ra phải bắt đầu từ ngày hôm qua".

"Bây giờ 2 bên đang ở trong một thế rất rất đối đầu", ông Peskov bổ sung.

Nga né tránh câu hỏi về nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay trong cuộc gặp tại Villa la Grange ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6/2021. Ảnh: ABC News


Nga né tránh câu hỏi về nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở Ukraine - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Hội nghị Thượng đỉnh tại Villa la Grange ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6/2021. Ảnh: Daily Sabah


Hiệp ước New START ban đầu được ký kết vào năm 2010 giữa người tiền nhiệm của ông Putin, Dmitry Medvedev, và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ngay trước khi hết hạn vào tháng 2/2021, nó đã được gia hạn đến năm 2026. Động thái trên diễn ra ngay sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Hiệp ước giới hạn kho vũ khí hạt nhân chiến lược ở mức 1.550 đầu đạn được triển khai và 700 phương tiện vận chuyển và máy bay ném bom hạng nặng được triển khai cho cả Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, có lo ngại rằng 4 năm là khoảng thời gian quá ngắn để đàm phán và đảm bảo đi đến một thỏa thuận mới thay thế cho hiệp ước duy nhất còn lại hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.

Theo một báo cáo mới của Chiến dịch quốc tế về bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), chi tiêu cho vũ khí hạt nhân của 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới đã tăng thêm 6,5 tỷ USD, từ mức 76 tỷ USD năm 2020 lên 82,4 tỷ USD năm 2021, với Mỹ, Trung Quốc và Nga đứng ở các vị trí top đầu.

Sự gia tăng chi tiêu hạt nhân của 9 quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân cũng phản ánh kết quả của một báo cáo mới được SIPRI công bố hôm 13/6, cho thấy nguy cơ xung đột hạt nhân ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. SIPRI dự kiến kho vũ khí hạt nhân toàn cầu sẽ “phình lên” trong thập kỷ tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại