"Những công sự kiên cố có thể bị đánh sập khi trúng phát đạn nặng tới 130kg hay đầu đạn hạt nhân mạnh 2 Kilotone từ súng cối Tyulpan hay lựu pháo Pion", hãng tin RIA Novosti đánh giá.
Hồi sinh dòng vũ khí gần 60 năm tuổi
Được phát triển từ những năm 1960, tổ hợp cối hạng nặng 2S4 Tyulpan có thể coi là phiên bản nâng cấp của súng cối Shavyrin có trong Quân đội Liên Xô từ Thế chiến 2. Súng cối Tyulpan tạo ấn tượng mạnh với 2 tiếng nổ mà nó gây ra khi đạn rời nòng và khi viên đạn rơi xuống mục tiêu, cũng như sóng xung kích do vụ nổ gây ra.
Dù là dòng pháo binh rất uy lực, nhưng súng cối 2S4 Tyulpan không được sản xuất hàng loạt do giá thành quá cao và độ phức tạp kỹ thuật của nó. Chi phí của mỗi súng cối 2S4 Tyulpan cao gấp 4 lần so với pháo tự hành 152mm 2СЗ Akasia. Chính vì lý do này, hiện tại Nga chỉ còn sở hữu 500 tổ hợp cối Tyulpan ở trạng thái niêm cất.
Súng cối tự hành Tyulpan.
"Toàn bộ quá trình khôi phục và nâng cấp súng cối Tyulpan được thực hiện tại nhà máy Uraltranshash. Phiên bản nâng cấp sẽ cải thiện đáng kể khả năng tác chiến của súng cối hạng nặng này với hệ thống ngắm bắn, thông tin liên lạc và dẫn đường mới", đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Sau khi được tái trang bị, 2S4 Tyulpan sẽ trở thành dòng súng cối "không có đối thủ" trên thế giới. Phát đạn nặng 130kg của súng cối Tyulpan đủ khả năng xuyên thủng toàn nhà 12 tầng hoặc các bongkee nằm sâu dưới mặt đất.
Với tầm bắn khoảng 9km, cối Tyulpan có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau: Đạn nổ định tầm, nổ phá mạnh, đạn chùm và đạn tự dẫn. Dưới thời Liên Xô, dòng cối hạng nặng này thậm chí được trang bị cả đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, khác với các dòng súng cối thông thường chỉ dành cho nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực đối phương, cối Tyulpan lại được dùng cho nhiệm vụ hoàn toàn khác là tiêu diệt hỏa điểm của đối phương, kể cả khi nó được giấu trong hầm hào kiên cố. Sẽ không có mục tiêu nào có thể toàn vẹn trước hỏa lực cực mạnh của cối Tyulpan.
Khi thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, cối Tyulpan có thể bắn đạn hạt nhân chiến thuật 3B11 sức công phá 2 Kilotone. Vụ nổ của đạn 3B11 đủ sức làm mất sức chiến đấu của đơn vị bộ binh cấp lữ đoàn.
Trong cuộc chiến ở Afghanistan, cối tự hành 2S4 Tyulpan còn được trang bị đạn nối tầm sử dụng động cơ tên lửa.
"Đặt trên khung gầm xe tự hành, tổ hợp cối 2S4 Tyulpan có khả năng cơ động trên các địa hình đồi núi và khai hỏa tấn công các mục tiêu nằm ở bên kia triền núi. Đạn 240mm đặc biệt hiệu quả tiêu diệt các mục tiêu ẩn nấp trong hang động và vị trí hiểm trở khó tiếp cận", chuyên gia quân sự Andrey Kotz đánh giá.
Lựu pháo hạt nhân
Cùng với súng cối Tyulpan, Quân đội Nga cũng khôi phục lựu pháo 203mm 2C7 Pion. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tyulpan và Pion là tầm bắn. Lựu pháo Pion có thể bắn các phát đạn nặng 133kg tới mục tiêu cách đó 35km (tăng lên 47km với đạn tăng tầm). Pháo Pion có kích thước tương đương với các dòng pháo hạm hạng nặng.
"Để những khẩu pháo Pion hoạt động trở lại cần quy trình đại tu. Hàng loạt bộ phận cơ khí được thay thế, khôi phục khương tuyến và nhiều thành phần khác. Chúng sẽ hoạt động lại như mới", một chuyên gia thuộc Nhà máy Volgograd, nơi khôi phục pháo Pion, nhận xét.
Pháo tự hành Pion.
Dưới thời Liên Xô, pháo Pion được chế tạo với mục tiêu đầy tham vọng là sử dụng đạn cỡ lớn và tầm bắn xa để công phá hậu phương kẻ địch. Để có được uy lực lớn, pháo Pion có nhược điểm là sử dụng đạn nặng và hệ thống nạp đạn phức tạp.
Kể cả sau khi nâng cấp, tốc độ bắn của Pion cũng chỉ đạt 2,5 viên/phút. Dòng pháo binh này được phát triển phù hợp với học thuyết tác chiến của Mỹ và Liên Xô trong giai đoạn những năm 1970 và 1980 về việc sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật bắn qua nòng pháo để tiêu diệt diện rộng các mục tiêu trên mặt đất.
Một điểm đáng ngạc nhiên là pháo Pion chưa bao giờ được sử dụng trong thực chiến. Sau Hiệp ước về triển khai vũ khí thông thường tại châu Âu, Quân đội Liên Xô đã chuyển toàn bộ pháo Pion về Quân khu phía Đông và được niêm cất sau đó.
Khi được tái trang bị, Pion sẽ là tổ hợp pháo tự hành có cỡ nòng lớn nhất của Quân đội Nga.