“Nếu các tên lửa của Mỹ được triển khai tới châu Á – Thái Bình Dương, tầm bắn của các tên lửa này sẽ vươn tới lãnh thổ Nga, tấn công vào các mục tiêu chiến lược trong năng lực ngăn chặn hạt nhân chiến thuật.
Đây là thông tin một lần nữa được xác nhận gửi tới tôi vào ngày hôm qua về việc các tên lửa của Mỹ sẽ được triển khai”, ông Antonov trả lời phỏng vấn phát sóng trực tiếp trên kênh Channel One của Nga hôm 17/10.
Vào tháng 8/2019, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từng ký kết với Nga.
Trong khi đó, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START) sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021. Trong khi đó, Hiệp ước New START hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa Nga – Mỹ.
Hiêp ước INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký kết ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.
Theo đại sứ Antonov, Nga vẫn đang duy trì các cam kết đơn phương về việc không triển khai các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung dù Mỹ đang điều động những loại vũ khí này tới một số khu vực.
“Ngày hôm qua, tôi nhận được thông tin xác nhận lại một lần nữa rằng việc triển khai các tên lửa của Mỹ đang diễn ra và tôi nói dĩ nhiên, những bước đi tương xứng cũng sẽ được Nga thực hiện”, ông Antonov nói.
Đại sứ Nga nói thêm, Moscow vẫn tiếp tục thuyết phục các quan chức Mỹ rằng việc thiếu đối thoại về giảm thiểu vũ khí triển khai là điều nguy hiểm, nhưng tới nay chưa có bước tiến nào được ghi nhận, trong khi Nga – Mỹ đang dần tiến tới một cuộc chạy đua vũ trang.
“Người Mỹ tự tin rằng, họ sẽ thắng trong cuộc chạy đua vũ trang, họ tự tin rằng họ sẽ hoàn toàn xé vụn nền kinh tế Nga.
Nhưng như tôi đã cảnh báo rằng đây là con đường nguy hiểm, đối thoại là cần thiết. Nhưng việc thuyết phục những quan chức Mỹ đương nhiệm ít nhất là những người chủ chốt chịu trách nhiệm kiểm soát vũ khí ở Mỹ vẫn chưa thành công”, ông Antonov cho hay.
Trong khi đó, hôm 16/10, Nga – Mỹ đã bác bỏ đề xuất của nhau về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START).
Theo các nhà phân tích, rào cản lớn nhất giữa Nga và Mỹ vẫn là lòng tin và trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cả hai bên dường như đều không sẵn sàng thực hiện bất kỳ bước đi mạo hiểm nào.
Tuy nhiên, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, người từng giữ chức phó Tổng thống Mỹ khi NEW START được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đã tuyên bố ông sẽ không ngần ngại đồng ý với đề xuất ban đầu của Tổng thống Nga Putin nhằm gia hạn hiệp ước thêm 5 năm cũng như đàm phán về một thỏa thuận mới.