Trên kênh Telegram của mình, ông Ruvin cho biết Viện Nghiên cứu khoa học - khám nghiệm pháp y Kiev nơi ông làm Giám đốc đã hoàn thành phân tích sơ bộ về các mảnh vỡ tên lửa để lại sau cuộc tấn công của Nga nhằm vào Kiev hôm 7/2.
Ông viết: “Trong vụ này, chúng tôi thấy các dấu vết đặc trưng của tên lửa 3M22 Zircon. Các bộ phận, mảnh vỡ của động cơ và cơ cấu định hướng của tên lửa có những dấu hiệu cụ thể".
Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Theo phía Nga, tên lửa Zircon có tầm bắn 1.000 km (625 dặm) và di chuyển với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh. Các nhà phân tích quân sự cho rằng tốc độ siêu vượt âm của tên lửa Zircon có thể làm giảm đáng kể thời gian phản ứng của lực lượng phòng không đối phương.
Trước đó, Nga cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm tên lửa Zircon vào tháng 6/2022 và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả tên lửa Zircon là một phần của hệ thống vũ khí vô song thế hệ mới.
Nếu việc sử dụng tên lửa Zircon ở Ukraine được xác nhận, loại vũ khí này có thể đặt ra thêm thách thức cho hệ thống phòng không của Ukraine và đây là điều đáng chú ý trong bối cảnh Ukraine không chắc chắn về viện trợ quân sự của phương Tây trong tương lai.
Theo Reuters, Nga tiến hành các cuộc không kích thường xuyên vào Ukraine bằng cách sử dụng một loạt tên lửa tầm xa và máy bay không người lái khác nhau. Tên lửa Zircon ban đầu được thiết kế như một loại vũ khí phóng từ biển và phiên bản phóng từ mặt đất được phát triển sau đó.