Nga cử tàu ngầm đến Syria
Theo các báo cáo từ truyền thông Nga, tàu ngầm diesel-điện lớp kilo Rostov-on-Don thuộc Hạm đội Biển Đen đang trên đường tới Syria để gia nhập lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải thường trực của Hải quân Nga.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nga xác nhận với TASS, tàu ngầm đã đi qua eo biển Biển Đen từ đầu tuần này.
Tuy nhiên, không rõ liệu Rostov-on-Don sẽ thay thế tàu ngầm cùng loại Krasnodar hiện đang được triển khai với lực lượng Địa Trung Hải của Hải quân Nga hay đây sẽ là sự bổ sung sức mạnh hơn nữa.
Tàu ngầm Krasnodar cùng với Stary Oskol đã gia nhập lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải của Nga vào tháng 4/2019 để thay thế các tàu ngầm Veliky Novgorod và Kolpino. Tàu Stary Oskol gần đây đã quay trở lại nhà máy Kronshtadt để sửa chữa.
Thông thường, hai trong số các tàu ngầm thuộc lớp Kilo sẽ được triển khai ở Địa Trung Hải trong khoảng thời gian trung bình 18 tháng - trong khi các thủy thủ đoàn được luân chuyển sau ba tháng. Xưởng đóng tàu Admiralty đã chế tạo một loạt sáu tàu ngầm diesel-điện cho Hạm đội Biển Đen.
"B-237 Rostov-on-Don là tàu ngầm diesel-điện của Nga thuộc dự án 636.3 Varshirlanka, là một phần của lữ đoàn tàu ngầm số 4 thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga", ấn phẩm Avia.Pro đưa tin. Đây là "con tàu thứ hai của dự án 636.3 Varshirlanka, được đặt theo tên của thành phố Rostov-on-Don của Nga".
Rostov-on-Don lần đầu tiên được cử đến Syria vào tháng 12/2015 và đã được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr chống lại khủng bố IS. Trong khi các tàu Veliky Novgorod và Kolpino về sau này cũng đã thực hiện nhiều cuộc tấn công chống lại các mục tiêu khủng bố ở Syria. Các tàu ngầm diesel-điện thế hệ thứ ba được coi là một trong những mẫu tàu ngầm "tĩnh lặng" nhất thế giới.
Chúng có tốc độ lên tới 20 hải lý/giờ, có thể lặn xuống độ sâu khoảng 300m và có thể hoạt động ở đại dương trong 45 ngày. Trọng tải tàu là 4.000 tấn và có thủy thủ đoàn gồm 52 người.
Tàu Rostov-on-Don là tàu mới nhất của Nga tới Syria. Vào tháng Hai, hai tàu khu trục Hạm đội Biển Đen là Đô đốc Makarov và Đô đốc Grigorovich đã đi qua eo biển Bosporus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải.
Nga đã triển khai một lực lượng hải quân đáng kể gần Syria trong những năm gần đây và các chuyên gia hải quân đã lưu ý rằng thởi điểm hiện tại có thể có tới 13 tàu hải quân Nga trong khu vực.
Năm 2017, Moscow đã ký thỏa thuận với Syria để gia hạn hợp đồng thuê căn cứ hải quân Nga ở Tartus trong 49 năm. Theo thỏa thuận, Nga được phép giữ tối đa 11 tàu chiến tại căn cứ của mình ở Syria, bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nga cũng đã chuyển sang hiện đại hóa và mở rộng các cơ sở hải quân.
Sự hỗ trợ từ Nga, cũng như từ Iran, đã giúp Chính phủ Syria nỗ lực giành thế thượng phong trong cuộc chiến kéo dài gần 9 năm.
Sự hỗ trợ từ Nga đã cho phép chính quyền Syria dưới thời Tổng thống Bashar Assad chiếm lại gần như toàn bộ lãnh thổ của phe đối lập, ngoại trừ tỉnh Idlib phía tây bắc cùng với dải đất gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Xung đột ở Idlib không tránh khỏi
Các nhóm chiến binh ở Idlib vẫn liên tục quấy nhiễu hoạt động tuần tra chung ở cao tốc M4.
Lệnh ngừng bắn ở Idlib vẫn được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ duy trì. Tuy nhiên, đã có những lo ngại cho rằng xung đột sẽ sớm nổ ra khi Ankara đang có những bất đồng lên đỉnh điểm với các nhóm chiến binh ở Idlib đang đe dọa hoạt động tuần tra ở cao tốc M4.
Hiện tại, Hayat Tahrir al-Sham (HTS) vẫn đang là nhóm nắm quyền kiểm soát lớn nhất ở Idlib mà cho đến lúc này Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có động thái giải giáp vũ khí và loại bỏ nhóm theo cam kết trước đó với Nga.
"Cuộc đụng độ giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân ở tỉnh Idlib của Syria là có thể, nhưng một hoạt động quân sự toàn diện không mang đến lợi ích cho Ankara", người đứng đầu Trung tâm Cận Đông và Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, Vladimir Fitin, nói với hãng thông tấn TASS.
"Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ là giữ được chỗ đứng ở Idlib", ông Fitin nói. "Nhưng Hayat Tahrir al-Sham là nhóm thống trị ở đó. Bởi vậy, Ankara rất muốn tránh bất kỳ cuộc đụng độ lớn nào với họ".
"Gần đây, người Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng cấu trúc lại Hayat Tahrir al-Sham, để khiến cho nhóm có được sự ngụy trang tốt hơn, khác so với hình ảnh khủng bố trước đây", Fitin giải thích.
Chuyên gia Nga cũng cho biết, các cuộc đụng độ ở Idlib sẽ diễn ra thường xuyên, bởi vì "có quá nhiều nhóm vũ trang thuộc nhiều loại khác nhau, bên cạnh Hayat Tahrir al-Sham".
Ông nhấn mạnh rằng, Ankara đã có hơn 18 tháng kể từ khi đạt được các thỏa thuận với Nga trong việc tách phe đối lập khỏi những kẻ khủng bố ở Idlib, nhưng "họ không thể hoặc không có ý định làm như vậy".
Sau khi thỏa thuận mới nhất được ký kết vào tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ "ít nhất đã thực hiện một số bước để cho thấy họ đang cố gắng làm điều gì đó", nhưng chuyên gia Fitin nghi ngờ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực để giải quyết vấn đề hoàn toàn.