Mỹ úp úp mở mở: Khách hàng bí ẩn sẽ mua phiên bản mạnh nhất của F-16 là ai?

Lâm Vy |

Theo tạp chí MW, đang có nhiều đồn đoán về danh tính của khách hàng này.

Một bản báo cáo gần đây của nhà sản xuất quốc phòng lớn nhất thế giới - Lockheed Martin tiết lộ rằng, mặc dù đã có tuổi đời khá lớn nhưng mẫu máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon vẫn thu hút được nhiều khách hàng châu Á và châu Phi.

Chiếc F-16 đầu tiên được Mỹ đưa vào biên chế năm 1978, đóng vai trò như một tiêm kích hạng nhẹ và bản sao với giá thành rẻ hơn của F-15 Eagle.

Lockheed cho biết, gần đây có một quốc gia châu Phi đã thể hiện mối quan tâm lớn đối với F-16V, phiên bản mạnh nhất hiện nay trong gia đình tiêm kích F-16, song không cho biết thêm thông tin chi tiết. Điều đó làm dấy lên nhiều đồn đoán về danh tính của vị khách bí ẩn.

Theo tạp chí MW, hiện có 2 quốc gia châu Phi đang vận hành F-16, đó là Morocco và Ai Cập. Bên cạnh đó, đã có một số quốc gia châu Phi khác tỏ ra hứng thú với mẫu chiến đấu cơ này của Mỹ.

Mỹ úp úp mở mở: Khách hàng bí ẩn sẽ mua phiên bản mạnh nhất của F-16 là ai? - Ảnh 1.

Các tiêm kích F-16 của Morocco. Ảnh: MW

Angola là khách hàng tiềm năng hàng đầu. Mặc dù là khách hàng quen thuộc của máy bay chiến đấu Liên Xô/Nga (gần đây nhất là đợt tiếp nhận các tiêm kích Su-30 từ Nga) nhưng chính phủ mới của Angola đã thể hiện mạnh mẽ khuynh hướng muốn hợp tác với phương Tây.

Ngân sách quốc phòng dồi dào của Angola có thể cho phép họ mua các chiến đấu cơ F-16 từ Mỹ để thay thế cho những tiêm kích thế hệ cũ như MiG-23.

Một khách hàng tiềm năng khác là Ethiopia. Nước này đang trong mối quan hệ căng thẳng gia tăng với quốc gia láng giềng Ai Cập, trong khi đó, phi đội MiG-23 già nua của họ đòi hỏi phải được thay thế trong những năm tới.

Cũng theo MW, Libya có thể trở thành khách hàng của Lockheed Martin do Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) có liên kết chặt chẽ với phương Tây. Mặc dù vậy, họ khó có thể nhận được những chiếc máy bay này trước khi cuộc nội chiến tại Libya kết thúc, do các lệnh cấm vận vũ khí đang được thực thi.

Đặt mua các tiêm kích F-16V có thể là cách để GNA giành được sự ưu ái của Mỹ và những sự hỗ trợ cần thiết trong cuộc xung đột hiện tại.

Mỹ úp úp mở mở: Khách hàng bí ẩn sẽ mua phiên bản mạnh nhất của F-16 là ai? - Ảnh 2.

Tiêm kích thế hệ 4+ F-16V. Ảnh: MW

Nhìn chung, theo MW, ngân sách quốc phòng của hầu hết các quốc gia châu Phi đều khiến họ khó có khả năng mua được F-16V.

Nigeria có ngân sách quốc phòng tương đối lớn nhưng nước này gần đây đã đặt mua các tiêm kích JF-17 do Trung Quốc-Pakistan hợp tác chế tạo. Mẫu máy bay này có kích cỡ, phạm vi hoạt động tương đương F-16 nên khó có khả năng Nigeria quan tâm tới mẫu tiêm kích của Mỹ.

Mặc dù quân đội Mỹ đã tỏ ra không mấy hứng thú với việc mua thêm các tiêm kích F-16 do thiết kế này đã có tuổi nhưng phiên bản F-16V đang được sản xuất rộng rãi tại Mỹ để phục vụ công tác xuất khẩu tới các khách hàng thuộc "thế giới thứ ba".

Phiên bản V được cải tiến hệ thống cảm biến và điện tử hàng không. Nó đã thu hút được một số khách hàng như Đài Loan, Slovakia, Bahrain và Bulgaria.

Mặc dù trải qua một số đợt nâng cấp nhưng về cơ bản F-16 không có nhiều thay đổi: Tiết diện phản xạ radar (RCS) vẫn giữ nguyên, máy bay không có thêm lớp phủ tàng hình, không trang bị động cơ mới.

Theo MW, thiết kế F-16 đang ngày càng trở nên lỗi thời. Một số quốc gia như Israel, Ai Cập và Singapore đang dần loại bỏ chúng ra khỏi biên chế.

Không quân Mỹ cũng đang có kế hoạch thay thế một số lượng lớn F-16 bằng tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35A. Nhiều chiếc F-16 được chuyển đổi thành máy bay không người lái QF-16 để làm mục tiêu thực hành cho các cuộc thử nghiệm vũ khí không-đối-không mới.

Hình ảnh đẹp về tiêm kích F-16V

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại