InterFax cũng cho biết, thời hạn hợp đồng được ký là đến năm 2020, như vậy Nga không chỉ bán máy bay mà có thể còn bán cả công nghệ bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ - thay thế, huấn luyện đào tạo các phi công Trung Quốc chuyển loại máy bay mới.
Vào năm 2015, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, đặc biệt về vấn đề số lượng và bản quyền, Moscow và Bắc Kinh đã ký kết hợp đồng cung cấp 24 chiếc tiêm kích siêu cơ động thế hệ 4++, tổng giá trị hợp đồng khoảng 2,5 tỷ USD.
Trung Quốc đặt hàng 24 chiếc Su-35 theo hợp đồng với Công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, ký chính thức tháng 11.2015.
4 chiếc Su-35 đầu tiên được sản xuất tại Nhà máy Hàng không Komsomolsk-on-Amur mang tên Yu.A. Gagarin thuộc tập đoàn PJSC " Sukhoi " năm 2016, chuyển giao cho Trung Quốc ngày 25.12.2016, 5 chiếc Su-35 tiếp theo giao cho Trung Quốc ngày 03.07.2017, 5 chiếc nữa vào ngày 30.11. 2017, 5 chiếc khác đầu năm 2018.
Như vậy với lô hàng vừa rồi sẽ là 5 máy bay tiêm kích Su-35 cuối cùng được giao.
Bộ tư lệnh không quân PLA biên chế các máy bay Su-35 vào Lữ đoàn không quân số 6 (Trung đoàn không quân số 6 cũ thuộc sư đoàn không quân số 2), có căn cứ tại sân bay Suiji gần quận Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông), lữ đoàn đang có trong trang bị Su-27SK Nga.
Kênh truyền hình Tiểu Dương mới đây cũng đăng tải một video, ghi lại những chuyến bay đầu tiên của Su -35 trên bầu trời Trung Quốc, Tiểu Dương TV là một phần của kênh truyền hình CCTV.
Trong video ghi lại những cảnh quay phi công Trung Quốc đang từng bước nắm bắt tính năng kỹ chiến thuật của Su-35, thử nghiệm những kỹ năng cất cánh, cải bằng, kỹ năng cơ động cao. Video cũng ghi lại những cảnh quay từ ca bin máy bay.
Số lượng 24 chiếc Su-35 là quá nhỏ so với lực lượng không quân Trung Quốc, để chiếm ưu thế trên không trước các đối thủ lớn như Nhật, Mỹ, Trung Quốc sẽ phải có một lượng máy bay chiến đấu thế hệ 4++ đến hàng trăm chiếc.
Nhưng Trung Quốc hy vọng về khả năng nắm bắt được công nghệ chế tạo động cơ lực đẩy vector, một công nghệ mà chỉ có Nga – Mỹ nắm được bí quyết. Su- 35 đang được hy vọng sẽ là lời giải cho bài toán khó này.
Nhưng theo như những thông tin đầu tiên trên mạng xã hội, nhà sản xuất đã áp dụng công nghệ chống sao chép vào máy bay Su-35, chủ yếu là phần động cơ vector và hệ thống điều khiển.
Khả năng tháo dỡ thông thường tương đương với việc phá hủy toàn bộ trang thiết bị, liệu các kỹ sư Trung Quốc có thể giải được bài toán này? Câu trả lời có thể đang ở phía trước.