Theo Avia.pro, Nga và Ấn Độ đã ký kết nhiều thỏa thuận quân sự mới trong lĩnh vực hợp tác quân sự và kỹ thuật.
Dù Ấn Độ từ chối mua tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga, song Moscow vẫn quyết định tạo cơ hội cho New Delhi đối phó với dàn chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 gồm tiêm kích F-35, F-22 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc.
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 J-20 của Trung Quốc và F-35 của Mỹ. (Ảnh: Tạp chí Military Watch)
Cụ thể, trong thời gian tới, một phần phi đội chiến đấu cơ hạng nặng Su-30MKI của không quân Ấn Độ sẽ được trang bị hệ thống radar Irbis-E. Đây là loại radar được thiết kế cho chiến đấu cơ Su-35 của Nga.
Động thái của Nga nhằm giúp Ấn Độ đối phó trước sự xuất hiện của dàn chiến đấu cơ tàng hình từ những quốc gia láng giềng như tiêm kích J-20 của Trung Quốc hay máy bay quân sự nằm trong khuôn khổ Dự án AZM của Pakistan.
Hiện vẫn chưa thể khẳng định hiệu quả của kế hoạch hỗ trợ mà Nga trao cho Ấn Độ. Song radar Irbis-E đã chứng minh được khả năng chiến đấu trong các hoạt động quân sự. Điển hình, nhờ hệ thống radar Irbis-E, các tiêm kích Su-35 của không quân Nga đã liên tục phát hiện được hoạt động của những chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ trên không phận Syria.
Về phần mình, trong một bản báo cáo hồi đầu năm nay, Quốc hội Mỹ đã cảnh báo tiêm kích J-20 của Trung Quốc có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quân đội Mỹ.
"J-20 được trang bị khả năng hoạt động linh hoạt cao, tính năng tàng hình, hệ thống vũ khí tối tân cùng hệ thống hàng không hiện đại và cảm ứng nhằm giúp chiến đấu cơ Trung Quốc nắm bắt nhanh tình hình, theo dõi các radar hiện đại, nhắm bắn mục tiêu chính xác và cả các hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp", Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời bản báo cáo của Lầu Năm Góc.
Hồi tháng 12/2018, một chiến đấu cơ Mỹ giả dạng làm tiêm kích J-20 Trung Quốc đã được phát hiện có mặt ở căn cứ quân sự tại sân bay Savannah-Hilton Head ở Georgia.
Sau đó, Bộ Chỉ huy Đào tạo và Huấn luyện của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ chia sẻ với Marine Corps Times rằng, chiếc J-20 trên đã tham gia vào hàng loạt cuộc huấn luyện quân sự trong thời gian có mặt ở căn cứ Savannah.
Liên quan tới tiêm kích Su-35, Thổ Nhĩ Kỳ đang bày tỏ sự quan tâm lớn tới máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Su-35 và tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga, sau khi Mỹ quyết định tạm thời loại Ankara ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35.
Nguyên nhân xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không chịu từ bỏ thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Cũng theo Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại hẳn khỏi dự án F-35 vào cuối tháng 3/2020. Theo kế hoạch ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua hơn 100 chiếc tiêm kích F-35.
Su-35 là tiêm kích siêu cơ động, một chỗ ngồi, hai động cơ được Cục Thiết kế Sukhoi thiết kế vào cuối thập niên 80. Dù là máy bay thế hệ thứ 4, nhưng Su-35 sử dụng nhiều công nghệ hiện đại của dòng tiêm kích thế hệ thứ 5 như hệ thống điện tử hàng không hiện đại, động cơ đẩy vector, hệ thống kiểm soát vũ khí cải tiến cùng radar tối tân.
Quân đội Nga hiện nắm trong tay 84 chiếc Su-35 và có ý định trang bị thêm. Trong khi đó, Trung Quốc đã mua 24 chiếc Su-35 và Indonesia đặt mua 11 chiếc. Trước đây, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ấn Độ, Ai Cập và Brazil cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới tiêm kích Su-35 của Nga.
Một số hình ảnh về tiêm kích F-35, F-22 của Mỹ và J-20 Trung Quốc được tạp chí Military Watch tổng hợp:
Tiêm kích J-20 của Trung Quốc.
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-22 và F-35 của Mỹ.
Tiêm kích F-35C của hải quân Mỹ.
Đội hình J-20.
Chiến đấu cơ J-20 trang bị tên lửa không đối không PL-10 và PL-15.
Tiêm kích F-35 trang bị tên lửa không đối không AIM-120C.