Nga đã chặn một tuyên bố dự thảo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Idlib hôm 3/6. Tuyên bố được hẫu thuận bởi Bỉ, Đức và Kuwait trong việc lên án cuộc tấn công đang diễn ra ở thành phố phía tây bắc Syria.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết, lý do nước này phản đối tuyên bố là vì "tài liệu dự thảo hoàn toàn phớt lờ việc Idlib bị nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) kiểm soát".
Cuộc tấn công của quân đội Syria ở Idlib được Nga ủng hộ đã được dự kiến triển khai từ mùa hè năm ngoái, tuy nhiên nó mới chỉ dần được thực hiện trong vài tháng qua.
Nga quan tâm đến việc giúp Tổng thống Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria, bao gồm cả Idlib và phía đông bắc. Tuy nhiên, Moscow vẫn đang cân nhắc về giải pháp quân sự trên quy mô lớn do mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về một cuộc khủng hoảng tị nạn mới.
Sự bế tắc ở Idlib đã mang đến cho Moscow cơ hội lớn trong cuộc chơi đối ngoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Tình huống này sẽ đưa Moscow và Ankara gần gũi hơn trong các vấn đề khác nhau, như hợp tác kỹ thuật song phương và quân sự.
Vào tháng 9/2018, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Erdogan đã ký thỏa thuận Sochi về Idlib và đảm nhận một số cam kết nghiêm túc, bao gồm khắc phục vấn đề HTS. Tuy nhiên, ngay từ đầu, những cam kết này đã khó có thể được thực hiện đầy đủ.
Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại nặng nề trong việc tách các lực lượng đối lập trung thành ra khỏi các nhóm khủng bố, Moscow đã thúc ép mạnh mẽ hơn để Ankara phải có hành động dứt khoát hơn.
Moscow cảm thấy tình hình ở Idlib đang vượt khỏi tầm kiểm soát, khi HTS ngày càng củng cố vị trí của nhóm này trong khu vực. Bản thân người Nga đang chịu áp lực từ chính quyền Syria - và ở mức độ thấp hơn là Iran - bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện được những gì họ đã hứa.
Tất cả các mục tiêu mà Nga hiện đang tìm kiếm với Thổ Nhĩ Kỳ là tuần tra chung, đàm phán hòa bình, tìm ra các biện pháp để kiềm chế HTS - những bước quan trọng trong việc quản lý tình hình chính trị.
Nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng của Moscow. Những bước đi này còn là công cụ "mềm" để thể hiện sự tôn trọng và nhạy cảm đối với lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng thời, Nga đang gửi tất cả các loại "thông điệp quân sự" tới Ankara, thực hiện các vụ đánh bom ở Syria để gây áp lực với Erdogan. Mặc dù người Nga cẩn thận tránh nhắm vào các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Moscow được cho là nhắm mắt làm ngơ cho quân đội Syria tấn công.
Với thông điệp trên, Tổng thống Erdogan hiểu được rằng, Moscow đang kỳ vọng ông sẽ có các bước đi thông minh và tránh những động thái liều lĩnh như cuộc khủng hoảng máy bay năm 2015.
Trong các cuộc điện đàm với người đồng cấp Pu tin trong vài tuần qua, ông Erdogan đổ lỗi cho Damascus vì đang cố tình gây chia rẽ Moscow và Ankara. Erdogan sau đó cũng đánh tiếng với Tổng thống Putin rằng ông hiểu về việc Nga không hài lòng đối với vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết nhóm HTS.
Nga liên tục gửi thông điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ khi đã hết kiên nhẫn.
Đáng chú ý, các cuộc thảo luận qua điện thoại này diễn ra vài ngày sau khi có các báo cáo cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp vũ khí cho các nhóm đối lập ở Idlib.
Theo Reuters, vũ khí mới nhằm giúp các chiến binh trung thành của Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn một cuộc tấn công của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn sau khi Ankara thất bại trong việc thuyết phục Nga ngừng các cuộc tấn công gần đây.
"Nhìn vào tình hình hiện tại, mỗi bên đang có cách chơi của riêng họ", một nhà ngoại giao cấp cao của Nga nói với Al-Monitor. "Người Mỹ hiện đang tìm mọi cơ hội để thọc gậy bánh xe giữa chúng tôi và người Thổ Nhĩ Kỳ".
"Tuyên bố của Tổng thống Erdogan về việc giao S-400 có thể mang đến sự yên tâm, nhưng các hợp đồng quân sự tiềm năng khác thì không chắc chắn, vì vậy những bất đồng giữa chúng tôi với Ankara là có lợi với họ", nhà ngoại giao Nga nói thêm.
"Đối với người châu Âu, họ muốn tạo ấn tượng rằng họ vẫn là người trong cuộc và quan tâm đến cuộc chơi. Nhưng do không có bất kỳ lựa chọn nào tốt hơn, tất cả những gì họ có thể làm được là đưa ra tuyên bố để bắt buộc chúng tôi phải chịu trách nhiệm về vấn đề nhân đạo đối với cuộc chiến ở Idlib".
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov đã phản ứng theo cách tương tự khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi ngăn chặn vụ tấn công. Ông Peskow nhấn mạnh rằng, cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng là để Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ hiệp định Sochi.
Tình hình ở Idlib đã kéo dài trong nhiều ngày, nhưng Nga đang kỳ vọng khu vực sẽ được giải quyết thông qua thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, ông Erdogan đang có những đề xuất riêng muốn gửi đến Nga.
Thổ Nhì Kỹ có thể đề nghị một thỏa thuận tốt ở phía đông bắc Syria - trong trường hợp này, Idlib có thể là một con bài mặc cả về các vấn đề của người Kurd.
Cũng có suy đoán cho rằng, Tổng thống Erdogan đang mong đợi một đề xuất tốt ở chính tại Idlib - một đề xuất giúp Thổ Nhĩ Kỳ duy trì ảnh hưởng ở phần đó của Syria, có thể thông qua việc sáp nhập một số lực lượng ủy quyền của mình vào một chính quyền địa phương trong tương lai.
Tuy nhiên, dù bằng cách nào, thời gian đang còn lại rất ít vì sự leo thang ở Idlib có thể sẽ sớm bùng nổ.